Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ "ưu tiên" đến "tin dùng" hàng Việt

09:05, 20/05/2020

Trong hơn 10 năm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thị trường đã chứng kiến sự vươn lên, trưởng thành mạnh mẽ của nhiều thương hiệu Việt như: Vingroup, Thaco, Biti's, Vinamilk, TH Truemilk, Vinamit, Bibica, Vissan, Tân Hiệp Phát...

Trong hơn 10 năm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thị trường đã chứng kiến sự vươn lên, trưởng thành mạnh mẽ của nhiều thương hiệu Việt như: Vingroup, Thaco, Biti’s, Vinamilk, TH Truemilk, Vinamit, Bibica, Vissan, Tân Hiệp Phát...

Đây là những thương hiệu Việt đã tạo được tên tuổi, có thương hiệu còn đạt doanh số hàng tỷ USD, có thêm nhiều thị trường xuất khẩu. Nhiều thương hiệu nội địa đã cạnh tranh sòng phẳng, thậm chí còn vượt mặt so với dòng sản phẩm cùng phân khúc của các thương hiệu nước ngoài hay của những tập đoàn, công ty đa quốc gia ở thị trường trong nước.

Điều đáng ghi nhận là nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam đã tạo dựng được uy tín, có mặt rộng khắp trên các gian hàng bán lẻ truyền thống lẫn hiện đại và ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn nhiều hơn.

Sự phát triển đa dạng của hàng Việt góp phần làm thay đổi suy nghĩ, thói quen tiêu dùng của người dân, tạo nên diện mạo mới trên thị trường hàng hóa nội địa. Một số ngành sản xuất mà Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao các chỉ số, tiêu chuẩn chất lượng, hàm lượng áp dụng khoa học công nghệ trong sản phẩm…

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, các thương hiệu Việt tuy đã có nhiều tiến bộ về chất lượng sản phẩm, mẫu mã nhưng vẫn còn những “điểm trừ” cần được khắc phục như: nguồn vốn còn hạn chế; kinh nghiệm về dự báo, tiếp cận thị trường còn bất cập; nhiều thương hiệu non trẻ; nhiều sản phẩm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên khó khăn trong việc xây dựng giá thành, hạ giá bán sản phẩm; hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm còn yếu… Ngoài ra, không ít doanh nghiệp trong nước còn “chậm chân” trong vấn đề nhận diện, bảo vệ thương hiệu trước tình trạng hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa… đang diễn biến tinh vi, phức tạp hơn.

Do đó, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với những hiệp định thương mại tự do (FTA) đi kèm các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối, để hàng Việt Nam thực sự cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại nhập, hàng của các tập đoàn, công ty đa quốc gia… ở thị trường nội địa, cũng như hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục nỗ lực phát triển theo các tiêu chuẩn hội nhập; minh bạch thông tin nguồn gốc, xuất xứ; không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu…

Từ chỗ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đến người Việt Nam tin dùng hàng Việt Nam rất cần các doanh nghiệp trong nước không ngừng vận động, phát triển, đổi mới công nghệ, cũng như cần có thêm sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương…

Hoàng Hải

Tin xem nhiều