Bắt đầu từ năm 2015, Bộ GD-ĐT không tổ chức riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng mà tổ chức kỳ thi duy nhất có tên kỳ thi THPT quốc gia...
Bắt đầu từ năm 2015, Bộ GD-ĐT không tổ chức riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng mà tổ chức kỳ thi duy nhất có tên kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi này có 3 mục đích: xét tốt nghiệp THPT, là căn cứ đánh giá chất lượng dạy học ở bậc phổ thông và sử dụng kết quả để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.
Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kỳ thi THPT quốc gia đã được điều chỉnh tên gọi, phương thức lẫn cách thức tổ chức thi cho phù hợp với bối cảnh học sinh phải nghỉ học quá dài ngày, chương trình học phải cắt giảm đáng kể...
Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia được đổi tên là kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích chính là xét tốt nghiệp cho học sinh. Các trường đại học, cao đẳng được giao quyền chủ động trong việc tuyển sinh. Cụ thể, các trường có thể lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ hoặc tổ chức một kỳ thi riêng để đánh giá năng lực thí sinh... Kỳ thi sẽ do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì tổ chức, chịu trách nhiệm tất cả các khâu của kỳ thi như: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Cán bộ coi thi là giáo viên của tỉnh nhưng có sự đổi chéo giữa các trường với nhau, bảo đảm giáo viên không coi thi học sinh của trường mình. Tất nhiên, đề thi vẫn do Bộ GD-ĐT xây dựng và cung cấp cho các địa phương.
Trả lời phỏng vấn báo chí về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, nội dung thi hoàn toàn nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với nội dung tinh giản chương trình học kỳ 2 đã được Bộ GD-ĐT công bố. “Đề thi sẽ dễ hơn, độ phân hóa cũng sẽ giảm đi so với các năm trước để phù hợp với mục đích của kỳ thi cũng như điều kiện dạy học do ảnh hưởng của dịch Covid-19” - Thứ trưởng khẳng định.
Là một kỳ thi có ý nghĩa đặc biệt đối với học sinh lớp 12 nên chắc chắn những thay đổi dù là ít hay nhiều sẽ tác động trực tiếp đến tâm lý thí sinh. Do đó, Bộ GD-ĐT đã mất rất nhiều thời gian để cân nhắc, tính toán và cuối cùng đưa ra quyết định lựa chọn một phương án phù hợp trong bối cảnh hết sức đặc biệt do dịch bệnh. Bộ cũng khẳng định sẽ tạo thuận lợi nhất cho thí sinh, đảm bảo sự an toàn, nghiêm túc, trung thực và chặt chẽ, đúng theo lộ trình tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng kỳ thi mà Bộ đã đề ra trong kỳ thi này.
Đồng ý với phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, song Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Bộ GD-ĐT tập trung vào việc ra đề thi trên tinh thần không đánh đố. Kỳ thi phải đảm bảo trung thực, an toàn, chất lượng trong điều kiện dịch bệnh; có sự tham gia giám sát của các ngành liên quan, đặc biệt không để xảy ra vấn đề tiêu cực trong thi cử như đã xảy ra một vài năm trước.
Thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT (dự kiến vào tháng 8) không còn nhiều. Do vậy, trong khi chờ những hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT về kỳ thi, các trường nói riêng và địa phương nói chung cần có sự chủ động trong công tác chuẩn bị, đặc biệt là khâu định hướng, tập trung ôn tập để ngay sau khi học sinh trở lại trường có thể “tăng tốc” cho kỳ thi ngay. Bên cạnh đó, khâu đảm bảo tâm lý cho học sinh cũng rất quan trọng nhằm giúp các em hiểu đúng và sẵn sàng cho kỳ thi để không rơi vào tình trạng hoang mang và lo lắng thái quá.
Minh Ngọc