Báo Đồng Nai điện tử
En

96 triệu dân và câu chuyện quần áo "nội"

08:04, 24/04/2020

Lại một lần nữa sau gần một thập niên, câu chuyện "quay về chiếm lĩnh thị trường nội địa" của ngành dệt may lại được đặt ra trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Lại một lần nữa sau gần một thập niên, câu chuyện “quay về chiếm lĩnh thị trường nội địa” của ngành dệt may lại được đặt ra trong bối cảnh xuất khẩu sản phẩm dệt may đến hàng loạt thị trường trọng điểm (Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản...) đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. 10 năm trước, cuộc suy thoái kinh tế - tài chính toàn cầu cũng từng gây ra nhiều thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu nói chung và ngành dệt may nói riêng, vấn đề xây dựng thị trường tiêu thụ bền vững ngay tại sân nhà cho sản phẩm dệt may Việt Nam cũng đã được đặt ra.

Tuy vậy, cho đến lúc này, ngành dệt may trong nước vẫn bị đánh giá là chưa thực sự “vững chân” tại thị trường nội địa. Mặc dù đã có nhiều thương hiệu ghi được dấu ấn tốt đẹp trong lòng người tiêu dùng trong nước, song số lượng vẫn còn ít ỏi so với tiềm năng. Một thực tế là phần lớn thị trường hàng dệt may trong nước vẫn đang bị chi phối bởi hàng nhập giá rẻ từ Trung Quốc, chi phối bởi các thương hiệu ngoại nhập từ bình dân đến cao cấp, và một phần lớn lại thuộc về những dòng hàng giá rẻ không tên tuổi, không xuất xứ.

Nếu “tính rợ” một cách đơn giản thì với dân số lên đến hơn 96 triệu người, ước tính mỗi năm nhu cầu tối thiếu nhất với sản phẩm quần áo (chưa kể các sản phẩm dệt may khác) cũng phải lên đến vài trăm triệu bộ. Trong số này, liệu bao nhiêu % là do các nhà sản xuất hàng dệt may Việt Nam sản xuất?

Trong nhiều hội nghị, các vị lãnh đạo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) thừa nhận, vài năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong xuất khẩu khi sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ với tốc độ tăng trưởng hằng năm khá mạnh và đều đặn. Tuy vậy, tình hình kinh doanh ngay trên sân nhà lại rất khó khăn. Tăng trưởng hàng dệt may trên thị trường nội địa tại các tập đoàn lớn rất thấp, thậm chí có đơn vị thấp hơn mục tiêu đề ra (nguồn: Bộ Công thương).

Thực ra, không phải doanh nghiệp không muốn phát triển thị trường nội địa, nhưng đến lúc này, đây vẫn là một bài toán không hề đơn giản. Khi sản xuất gia công theo các đơn đặt hàng, doanh nghiệp dệt may không phải đối mặt với những câu hỏi khó khăn về xây dựng thương hiệu, bán hàng, phân phối, quảng cáo, xu hướng thiết kế… và hàng loạt vấn đề “hậu trường” khác để một chiếc áo, chiếc quần có thương hiệu đến được tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, dù rất muốn khai thác thị trường trong nước, song nhiều năm qua doanh nghiệp trong ngành vẫn e dè khi đầu tư phát triển thương hiệu và sản phẩm tại “sân nhà”. Do đó, tốc độ phát triển của doanh nghiệp tại thị trường trong nước thời gian qua còn khá chậm. Theo nhiều chuyên gia, muốn phát triển tại “sân nhà”, các doanh nghiệp cần đầu tư, xây dựng thương hiệu sản phẩm một cách bài bản, đẩy mạnh xây dựng hệ thống sản xuất chuyên nghiệp, sản xuất các sản phẩm chất lượng, thiết kế phù hợp, theo kịp nhu cầu thời trang quốc tế.

Đại dịch Covid-19 một lần nữa đặt ra vấn đề xây dựng thị trường nội địa là cách lâu dài, căn cơ, an toàn cho nhiều ngành xuất khẩu, trong đó có dệt may bởi với trên 96 triệu dân, thị trường Việt Nam được đánh giá là vô cùng tiềm năng cho mọi ngành sản xuất.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều