Chưa bao giờ ngành nuôi heo của Đồng Nai nói riêng và cả Việt Nam nói chung lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến thế. Kể cả so với thời điểm năm 2012-2013, là giai đoạn mà tổng đàn heo cả nước xuống thấp nhất do giá heo "tuột dốc" vì người tiêu dùng "quay lưng" với thịt heo do hiện tượng sử dụng chất cấm Clenbuterol và Sanbutamol (chất tạo nạc) trong chăn nuôi.
Chưa bao giờ ngành nuôi heo của Đồng Nai nói riêng và cả Việt Nam nói chung lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến thế. Kể cả so với thời điểm năm 2012-2013, là giai đoạn mà tổng đàn heo cả nước xuống thấp nhất do giá heo “tuột dốc” vì người tiêu dùng “quay lưng” với thịt heo do hiện tượng sử dụng chất cấm Clenbuterol và Sanbutamol (chất tạo nạc) trong chăn nuôi.
Dịch tả heo châu Phi xuất hiện và hoành hành từ đầu năm 2019, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Trên cả nước, số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) cho thấy, tổng đàn heo chết và nhiễm bệnh phải tiêu hủy đã lên đến trên 5 triệu con, giảm khoảng 20% số đầu heo và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tỷ lệ này ở Đồng Nai (nơi được mệnh danh là thủ phủ nuôi heo của Việt Nam) cao gấp đôi với 41% tổng đàn heo đã bị chết và tiêu hủy do dịch bệnh (tương đương 1 triệu con).
Tuy nhiên, dù dịch bệnh hoành hành, thì việc ngưng nuôi heo là không thể bởi nó là ngành nghề chính của rất nhiều doanh nghiệp và là sinh kế của hàng triệu gia đình. Người tiêu dùng Việt Nam cũng không thể dừng ăn thịt heo vì lý do dịch bệnh. Chính vì vậy, tái đàn heo bền vững là điều bắt buộc phải làm trong giai đoạn này, kể cả khi dịch tả heo châu Phi chưa hoàn toàn bị đẩy lùi.
Vấn đề đặt ra là, tái đàn phải đi kèm với sự an toàn và có tính bền vững. Tiêu chí an toàn sinh học, chống tái dịch là tiêu chí được đặt ra hàng đầu trong việc tái đàn heo tại Đồng Nai hiện nay. Thực tế đã chứng minh, nếu tuân thủ đầy đủ hướng dẫn về an toàn sinh học thì dù ở ngay “tâm dịch”, đàn heo của nhiều trang trại và doanh nghiệp cũng không bị lây nhiễm và vẫn khỏe mạnh bình thường.
Trong “nguy” có “cơ”, dịch tả heo châu Phi là điều không ai mong muốn, song đó cũng là cơ hội để ngành nuôi heo có những tính toán, hoạch định hướng tái đàn và chăn nuôi heo lâu dài một cách chuyên nghiệp và bền vững.
Về lâu dài, ngành nuôi heo cũng cần tổ chức sản xuất các ngành hàng sản phẩm chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, trong đó phát huy vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã. Cần hướng đến một ngành chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, an toàn sinh học và áp dụng công nghệ cao. Ở đó không còn cơ sở, hộ chăn nuôi nào mà sản xuất không gắn trong chuỗi, không biết bán cho thị trường nào, theo tiêu chuẩn nào.
Căn cơ hơn, cần phát triển nhanh các doanh nghiệp và tập đoàn lớn, đủ khả năng đầu tư theo các chuỗi khép kín vào ngành chăn nuôi, vừa có thể hỗ trợ dẫn dắt người chăn nuôi sản xuất theo thị trường, vừa cùng với Nhà nước trong điều tiết cung cầu các sản phẩm chăn nuôi. Khi dịch bệnh hoành hành, cũng là lúc cần quyết liệt khuyến khích các cơ sở chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt. Trong đó, nhất thiết các cơ sở chăn nuôi phục vụ xuất khẩu phải áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi VietGAP, GlobalGAP… Có như vậy, ngành nuôi heo Đồng Nai nói chung và Việt Nam nói riêng mới tận dụng được cơ hội trong khó khăn và có sự phát triển lâu dài, bền vững.
Vi Lâm