Báo Đồng Nai điện tử
En

Minh bạch thông tin - yêu cầu của khách hàng

09:11, 05/11/2019

Sự "nở rộ" của thị trường các mặt hàng nông sản, thực phẩm đóng mác "tự nhiên", "hữu cơ", "không hóa chất"... trong mấy năm gần đây cho thấy khá nhiều điều, trong đó, nổi lên vấn đề quản lý và kiểm soát thực phẩm sạch ra sao khi chúng đã được bày lên kệ hàng để bán.

Sự “nở rộ” của thị trường các mặt hàng nông sản, thực phẩm đóng mác “tự nhiên”, “hữu cơ”, “không hóa chất”... trong mấy năm gần đây cho thấy khá nhiều điều, trong đó, nổi lên vấn đề quản lý và kiểm soát thực phẩm sạch ra sao khi chúng đã được bày lên kệ hàng để bán. Bởi một thực tế là cơ quan chức năng có thể kiểm tra quy trình sản xuất ở các nông trại, nhưng khi đi vào hệ thống bán lẻ thì quy trình quản lý còn nhiều bất cập.


Về nguyên tắc, nông sản và thực phẩm chỉ được gọi là “sạch” khi chúng có đầy đủ các bằng chứng chứng minh được toàn bộ quy trình nuôi trồng, sản xuất phải tuân thủ đúng các quy tắc của một chứng nhận nào đó, ví dụ VietGAP, GlobalGAP hoặc thực phẩm hữu cơ. Với mỗi loại, cơ quan chức năng cũng chỉ cấp chứng nhận và nhãn hiệu cho một diện tích canh tác cụ thể trong một khoảng thời gian cụ thể. Người nuôi, người trồng muốn tái cấp chứng nhận thì phải thực hiện lại đầy đủ các bước, các thủ tục theo đúng quy trình.

Điều này có nghĩa là không phải cứ mảnh vườn hay nông trại nào đã một lần được cấp chứng nhận quy trình sản xuất sạch cho một mùa vụ nào đó, có nghĩa là sản phẩm từ mảnh vườn, từ nông trại đó luôn luôn “sạch”. Được cấp chứng nhận hữu cơ (theo chuẩn Việt Nam hoặc quốc tế) một lần cho một sản phẩm trong một năm chẳng hạn, đến năm sau nếu không đáp ứng các tiêu chí để tái cấp chứng nhận, loại nông sản đó không còn được coi là nông sản hữu cơ một cách chính thức nữa.

Dưới góc nhìn kinh tế, kinh doanh thực phẩm sạch đang được coi là một mảng kinh doanh “hái ra tiền” bởi người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng đô thị, sẵn sàng bỏ ra một số tiền cao hơn ít nhất 30% so với sản phẩm cùng loại để mua thực phẩm được cho là sạch. Điều này vô tình khuyến khích nhiều cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng tâm lý “sợ thực phẩm bẩn” của người tiêu dùng để trục lợi bằng cách nhập nhằng về nguồn hàng, không công bố rõ ràng thông tin với người mua.

Trên thực tế, sản xuất “theo hướng an toàn”, “theo hướng hữu cơ” và được chứng nhận sản phẩm an toàn một cách chính danh là hai chuyện khác nhau và không ít nhà sản xuất lẫn người bán hàng đang “trộn lẫn” hai khái niệm này. Chính vì vậy, cần có sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn đối với các loại thực phẩm được gắn mác là “sạch”, là “không hóa chất” hay “hữu cơ”.

Và, khi các cá nhân, doanh nghiệp mở cửa hàng, công bố bán thực phẩm sạch, cần có các quy định yêu cầu công khai và minh bạch thông tin về nhãn mác, xuất xứ, các loại chứng nhận “sạch” là chứng nhận gì, do cơ quan nào cấp, cấp trong bao lâu và cấp cho sản phẩm cụ thể nào vì trong cùng một mảnh vườn, một nông trại cũng có sản phẩm được cấp chứng nhận, có sản phẩm không. Minh bạch thông tin và kiểm soát kỹ càng các mặt hàng gắn mác “sạch” trên thị trường không chỉ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn là một cách khuyến khích những người muốn tham gia thị trường này một cách chân chính, từ nông dân đến nhà bán lẻ.   

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều