Báo Đồng Nai điện tử
En

Củng cố nội lực cho hàng Việt

09:11, 11/11/2019

Lâu nay, một loạt các điểm yếu của hàng hóa Việt Nam đã nhiều lần được đề cập, mổ xẻ như: thương hiệu còn yếu, mẫu mã chưa bắt mắt, hệ thống phân phối mỏng, giá cả chưa thực sự cạnh tranh...

Lâu nay, một loạt các điểm yếu của hàng hóa Việt Nam đã nhiều lần được đề cập, mổ xẻ như: thương hiệu còn yếu, mẫu mã chưa bắt mắt, hệ thống phân phối mỏng, giá cả chưa thực sự cạnh tranh... Những điểm yếu này trong vòng 10 năm nay (khoảng thời gian Việt Nam bắt đầu hội nhập mạnh mẽ thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới) đã được cải thiện đáng kể.

Điều đáng ghi nhận là nhiều thương hiệu hàng Việt Nam đã “có mặt” trên kệ hàng từ thành thị đến thôn quê, từ bán lẻ truyền thống đến các hình thức bán lẻ hiện đại, từ bán lẻ trực tiếp đến bán lẻ trực tuyến. Nhiều mặt hàng trước đây vốn là thế yếu của doanh nghiệp Việt, buộc phải nhường “sân chơi” cho hàng ngoại thì nay đã cạnh tranh trực tiếp được với hàng hóa của những tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ghi tên mình trong danh sách “thương hiệu tỷ USD” như: Vinamilk, Masan, Trường Hải…

Song nhìn chung, trước làn sóng hàng hóa nhập khẩu đã và đang diễn ra, hàng Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức ở thị trường trong nước. Cùng với việc ký các hiệp định thương mại tự do quan trọng như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)… đi kèm là các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối.

Theo dự báo, thị trường nội địa tới đây càng trở nên sôi động hơn và áp lực cạnh tranh cao hơn rất nhiều so với trước. Đặc biệt, với những doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ (hiện đang chiếm trên 90% số lượng doanh nghiệp trong nước) thì sức ép còn lớn lao hơn. Doanh nghiệp nhỏ thiếu khả năng đổi mới công nghệ, thiếu vốn, thiếu hệ thống phân phối và thiếu kinh nghiệm bán hàng… dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Ở mảng xuất khẩu hàng hóa, mặc dù kim ngạch liên tục tăng mạnh trong 10 năm qua. Nếu trong năm 2008, kim ngạch xuất khẩu cả nước chỉ đạt trên 143 tỷ USD thì năm 2018, con số này là hơn 480 tỷ USD. Điều này chứng tỏ hàng Việt Nam ngày càng có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Song, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, cho đến lúc này, đa số hàng hóa vẫn được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, hàng hóa gia công… nhiều hơn là danh chính ngôn thuận xuất khẩu bằng thương hiệu quốc gia hoặc thương hiệu hàng hóa riêng của những doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước.

Chính phủ đã nhìn thấy tất cả những vấn đề này và vẫn đang có những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt cả ở thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu. Song trên hết, chính sách chỉ có tính tạo dựng nền tảng, chính doanh nghiệp sẽ phải tìm cách nâng cao sức “chiến đấu”, củng cố nội lực, cải thiện các điểm yếu… và liên kết lẫn nhau để cùng lớn mạnh. Đó mới là hướng tồn tại lâu dài giữa những làn sóng hội nhập nhiều cơ hội nhưng cũng đầy rẫy những thách thức, khó khăn.

Vi Lâm

Tin xem nhiều