Báo Đồng Nai điện tử
En

Chính phủ kiến tạo, doanh nghiệp trưởng thành

08:10, 11/10/2019

"Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng".

“Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”.


Đoạn thư trên được trích trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho giới Công thương Việt Nam vào ngày 13-10-1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ chỉ vừa ra đời được 1 tháng. Ngay từ thời điểm đó, Bác Hồ đã nhấn mạnh vai trò to lớn của giới Công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước.

Trải qua nhiều thăng trầm của đất nước, vị thế của giới Công thương - mà nay gọi là giới doanh nhân Việt Nam - trong quan niệm xã hội và trong đường hướng phát triển cũng có lúc đổi thay, lên xuống, song những đóng góp dù công khai hay thầm lặng của họ là không thể phủ nhận. Thời chiến, doanh nhân hỗ trợ tài chính cho cách mạng; thời bình, doanh nhân Việt Nam lại góp sức trong việc làm giàu cho bản thân, cho đất nước, kiến tạo hàng chục triệu việc làm, tạo ra rất nhiều giá trị cho xã hội. Và trong thời kinh tế Việt Nam chính thức bước vào sân chơi hội nhập, doanh nhân Việt Nam tiếp tục là lực lượng dẫn đầu.

Chính phủ từng nhiều lần khẳng định, doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam có mạnh thì đất nước mới giàu.Vậy nên vai trò và vị thế của giới doanh nhân ngày càng trở nên quan trọng.

Những nỗ lực hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển của Chính phủ trong hàng chục năm qua cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho doanh nhân lớn mạnh, thu hẹp dần khoảng cách giữa các thành phần kinh tế, mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển. Từ những khung chính sách lớn như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ…, đến Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường… và hàng loạt chính sách dài hạn, ngắn hạn khác.

Đặc biệt, ngày 3-6-2017,  lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành riêng một nghị quyết cho kinh tế tư nhân, đó là Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đón nhận vô cùng tích cực.

Không chỉ vậy, còn có nhiều diễn đàn kinh tế tư nhân cùng rất nhiều hội thảo, gặp gỡ, tiếp xúc giữa các thành viên Chính phủ, bộ, ngành, địa phương… với giới doanh nhân Việt Nam để tháo gỡ vướng mắc, dẹp bỏ thách thức, đón đầu cơ hội để doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam từng bước trưởng thành và đủ sức cạnh tranh. Rõ ràng, Chính phủ đã và đang rất quyết tâm trong việc kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.         

 Vi Lâm

 

Tin xem nhiều