Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần giải pháp căn cơ cho 'vật liệu xanh'

08:10, 01/10/2019

Vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường ("vật liệu xanh") đã và đang được sử dụng khá phổ biến ở các nước phát triển như: Hong Kong, Hàn Quốc, Singapore... Hiện nay, tại các nước phát triển, tỷ lệ gạch không nung chiếm 60-70% trong các công trình xây dựng.

Vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường (“vật liệu xanh”) đã và đang được sử dụng khá phổ biến ở các nước phát triển như: Hong Kong, Hàn Quốc, Singapore... Hiện nay, tại các nước phát triển, tỷ lệ gạch không nung chiếm 60-70% trong các công trình xây dựng.

Một số quốc gia còn ban hành lệnh cấm sử dụng gạch rắn được nung từ đất sét tại các thành phố và nhờ đó gạch không nung chiếm một tỷ lệ rất cao. Xu hướng hiện nay trên thế giới là các “công trình xanh” đang gia tăng hằng ngày, hàng giờ và số “công trình thương mại xanh” ngày càng phổ biến.

“Vật liệu xanh” trên thị trường hiện nay khá đa dạng về chủng loại: sơn sinh thái, gạch không nung, các tấm cách nhiệt, các tấm bê tông đúc sẵn, gỗ áp tường xanh, xi măng xanh, tấm thu năng lượng mặt trời, tấm lợp hữu cơ… và người tiêu dùng có thể dễ dàng hơn trong lựa chọn. Không độc hại, tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, có vòng đời sử dụng lâu dài, có thể tái chế… là những ưu điểm vượt trội mà các dòng “vật liệu xanh” đang có.

Nhằm đẩy mạnh sử dụng “vật liệu xanh” trong ngành xây dựng, Chính phủ đã ban hành một số chính sách để phát triển gạch không nung trong ngành xây dựng. Tiêu biểu là Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 thì tỷ lệ vật liệu xây dựng không nung vào năm 2015 là
15-20% và năm 2020 tương ứng là 30-40%.

Và từ đầu năm 2018, đối với các công trình sử dụng ngân sách nhà nước, tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật liệu không nung sẽ được quy định và áp dụng cụ thể ở từng địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế đến nay, tỷ lệ đạt được khá thấp. Chỉ một số công trình, dự án nhà nước là ưu tiên sử dụng các loại “vật liệu xanh”, còn trong xây dựng dân dụng, xu hướng này rất mờ nhạt.

Vướng mắc lớn làm cho tỷ lệ sử dụng các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường không đạt tỷ lệ mong muốn (không chỉ tại Đồng Nai mà trên quy mô cả nước) là giá bán các loại “vật liệu xanh” đang cao hơn giá vật liệu cùng loại thông thường từ 10-30%. Mức chênh lệch từ 10-30% là một mức chênh lệch khá lớn, xét trên tổng thể một căn nhà, một công trình hay dự án thì có vẻ như việc chịu chi thêm hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ đồng để góp phần bảo vệ môi trường chưa được nhiều người lựa chọn.

Có nhiều lý do khiến giá thành các loại “vật liệu xanh” chưa thực sự cạnh tranh với các loại vật liệu thông thường. Về phía nhà sản xuất, đây là bài toán giảm chi phí, giá thành, bán hàng, phân phối. Về phía người tiêu dùng, cần một chiến dịch tuyên truyền và khuyến khích bài bản để họ từng bước thay đổi thói quen. Song về phía chính sách, rõ ràng cần đến những ưu đãi cụ thể cho những doanh nghiệp đầu tư sản xuất “vật liệu xanh” như một cách gián tiếp bảo vệ môi trường. Phải có một giải pháp mang tính căn cơ, tổng thể thì về lâu dài, những công trình, dự án “xanh” mới trở nên phổ biến, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều