Tuần qua, các trang bán hàng và các fanpage lớn chia sẻ rất nhiều một bài viết có tính kích cầu giá đất Biên Hòa, trong đó có đề cập đến "một dự án giao thông huyết mạch sẽ biến Biên Hòa thành Thủ Thiêm".
Tuần qua, các trang bán hàng và các fanpage lớn chia sẻ rất nhiều một bài viết có tính kích cầu giá đất Biên Hòa, trong đó có đề cập đến “một dự án giao thông huyết mạch sẽ biến Biên Hòa thành Thủ Thiêm”.
“Cài cắm” vào đó là thông tin về các dự án bất động sản lớn xoay quanh khu vực này với giá đất khi tìm hiểu thực tế cũng được đẩy lên rất cao so với trước. Thực tế, dự án giao thông này đến nay vẫn chưa chính thức khởi động, chưa cụ thể về nguồn vốn và thời điểm khởi công và có thay đổi gì cụ thể hay không, cũng chưa có thông tin. Mặc dù vậy, giới “cò” đất đã “thổi” thông tin dự án này trên khắp các diễn đàn để đẩy giá đất lên cao.
Tương tự, một thông tin nóng hổi khác cũng đang được giới môi giới bất động sản sử dụng phổ biến là UBND tỉnh Đồng Nai đã cho tách thửa đất trở lại từ đầu tháng 3-2018 vừa qua sau một thời gian tạm ngưng. Thông tin này cũng làm dậy sóng thị trường khi những người kinh doanh môi giới, đặc biệt là môi giới đất nhỏ lẻ, sử dụng để trấn an người mua đất. Thực tế, tách thửa là hoàn toàn có thể, song nó sẽ phải đáp ứng nhiều quy định mới so với trước, và không phải bất kỳ mảnh đất nào cũng có thể tách thửa riêng. Cụ thể, thửa đất nhỏ hơn 500m2 mà tiếp giáp với đường giao thông, hiện trạng hạ tầng giao thông đã được thể hiện trên bản đồ địa chính thì được tách thửa bình thường. Nhưng thửa đất muốn tách mà không tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu thì người sử dụng đất phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Thửa đất có diện tích từ 500-2.000m2 khi tách thửa cũng đòi hỏi người sử dụng phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể. Quy định mới này làm cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp đang muốn tách thửa phải tiếp tục chờ đợi vì Sở Xây dựng chưa có hướng dẫn cụ thể. Đồng thời khi tách thửa đất phải đảm bảo diện tích tối thiểu, kích thước thửa đất.
Nhiều người dân nôn nóng sợ giá đất tăng tiếp tục nên chấp nhận mua đất dưới dạng “sổ chung”, thêm vào đó người bán luôn khẳng định “đã tách thửa được trở lại”, mà không tìm hiểu kỹ có thể rơi vào tình thế đất đã mua song chưa thể hoặc không thể hợp thức hóa vì không đáp ứng các quy định đi kèm. Với những nơi mà đất đai đang “nóng” như các xã Tam Phước, Phước Tân (TP.Biên Hòa) hoặc một số nơi tại Long Thành hay Nhơn Trạch, thậm chí có những người ôm đất “sỉ”, chia lô bán nền cho nhiều người dưới dạng “sổ chung” và lời hứa chung chung “sau này Nhà nước sẽ hợp thức hóa giống như khu vực Trảng Dài (TP.Biên Hòa) ngày trước”. Đây là một cách bán hàng thách thức pháp luật, với suy nghĩ đơn giản là nếu dân ở kín thì chính quyền buộc phải thành lập khu dân cư và hợp thức hóa quyền sự dụng đất bởi việc di dời cả một khu dân cư (dù là tự phát và trái quy định), là quá tốn kém và phiền phức. Song, “cách làm” này sẽ không thể thành công được ở thời điểm này và cả tương lai, bởi Luật Đất đai cùng các bộ luật và quy định khác đã tương đối hoàn chỉnh, người dân mua đất xây nhà trái quy định thì dù có vi phạm đông người, tạo thành cả khu dân cư trái phép thì vẫn bị cưỡng chế như thường. Khi đó thì tiền mất, nhà đất cũng không.
Những người môi giới nhà đất làm ăn ẩu tả có lỗi của họ, song thực tế, bỏ tiền mua đất hay không nằm ở quyết định của người dân. Nên hay không nên, tìm hiểu kỹ hay không, là do người mua quyết định. Vậy để không bị thiệt thòi, cần cẩn trọng tìm hiểu thật kỹ trước khi bỏ tiền mua đất, và nhớ rằng Nhà nước sẽ tìm mọi cách để hạn chế những cơn sốt đất ảo, hạn chế nguy cơ bong bóng bất động sản bằng những biện pháp cứng rắn nhất để tránh gây tổn hại chung cho thị trường, cho xã hội.
Vi Lâm