Báo Đồng Nai điện tử
En

Minh bạch để được dân ủng hộ

10:03, 14/03/2018

Từ lâu, ở các nước phát triển đều rất chú ý đến việc trồng cây xanh trong đô thị. Kiến trúc cây xanh đều được quy hoạch một cách khoa học và quản lý chặt chẽ để không chỉ làm tăng giá trị cảnh quan mà còn đáp ứng nhu cầu không gian giao tiếp xã hội.

Từ lâu, ở các nước phát triển đều rất chú ý đến việc trồng cây xanh trong đô thị. Kiến trúc cây xanh đều được quy hoạch một cách khoa học và quản lý chặt chẽ để không chỉ làm tăng giá trị cảnh quan mà còn đáp ứng nhu cầu không gian giao tiếp xã hội. Những giống cây được trồng đều phải trải qua quá trình lựa chọn kỹ lưỡng, vừa phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện sống vừa đáp ứng nhu cầu mỹ thuật, thậm chí còn phải mang tính đặc trưng, tạo điểm nhấn và mang bản sắc địa phương; chẳng hạn cây trồng ven đường phải chọn loại cây bóng rộng để tăng cường độ che phủ nhưng rễ cây không phá hư đường; một số vị trí khác thì cần trồng cây có hoa hoặc lá màu...

Trong thực tế, trước đây nhiều địa phương trong nước chưa có sự quan tâm đúng mức đến cây xanh trồng trên đường phố. Trên nhiều tuyến đường, ngoài một số cây được trồng từ thời Pháp hoặc trước năm 1975 còn có cây do địa phương hoặc người dân tự trồng, dẫn đến sự lộn xộn về chủng loại, kích cỡ, khoảng cách giữa các cây làm ảnh hưởng đến mỹ quan chung của đô thị. Bên cạnh đó, có những giống cây xanh không phù hợp, như không có tán lá rộng, cành giòn dễ bị đổ gãy không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ảnh hưởng các công trình cơ sở hạ tầng trên mặt đất, dưới mặt đất cũng như trên không... Vì vậy, việc quy hoạch lại mảng cây xanh công cộng là điều cần thiết của các đô thị, trong đó có Biên Hòa, nhằm đưa kiến trúc cây xanh vào quy củ và theo một quy chuẩn mới đẹp, hiện đại hơn.

Với đề xuất của TP.Biên Hòa là thay thế cây xanh trên các tuyến đường nội ô thành phố, thực hiện thí điểm trước ở tuyến đường Hà Huy Giáp, về mặt chuyên môn là hợp lý. Bởi trên tuyến đường này đang “tồn tại” nhiều chủng loại cây: dầu, bằng lăng, hoàng nam, tạo sự lộn xộn về mặt thẩm mỹ. Ông Lý Việt Dũng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, nhận định đề xuất thay thế cây bằng lăng bằng cây sao đen của Biên Hòa là phù hợp bởi tuy đều là loài cây bản địa của vùng đất Đồng Nai nhưng đặc điểm của bằng lăng là cành giòn, dễ gãy đổ, tán không rộng lại rụng lá nhiều nên không thích hợp trồng ven đường phố.

Tuy nhiên, có một giai đoạn người dân cứ nghe đến việc địa phương chặt bỏ, thay thế cây xanh công cộng là phản ứng. Nguyên nhân là do cách làm của địa phương thiếu minh bạch, chưa thuyết phục, chưa tạo được niềm tin trong người dân. Đề xuất thay thế cây xanh của TP.Biên Hòa tuy người dân chưa có phản ứng, nhưng vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn đề nghị nên cân nhắc khi thực hiện.

Vì vậy, điều mà UBND TP.Biên Hòa cần làm hiện nay là công khai về dự án thay thế cây xanh cho người dân được biết, nêu rõ mục đích, lý do thay thế; số lượng, chủng loại các loại cây thay thế và trồng mới… Nếu cần thiết, các cơ quan chức năng của thành phố nên tổ chức lấy ý kiến của người dân, nhà chuyên môn một cách cầu thị, nghiêm túc; trong thực hiện có sự giám sát của người dân nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất trong các tầng lớp nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu. Khó vạn lần, dân liệu cũng xong” - lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh xem ra không bao giờ thừa trong những trường hợp này. 

HÀ LAM

Tin xem nhiều