Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là những chính sách giúp người dân giảm bớt khó khăn khi mất việc, ốm đau, thai sản... Thế nhưng trụ cột an sinh xã hội này đang có những kẽ hở dễ dàng bị kẻ xấu trục lợi.
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là những chính sách giúp người dân giảm bớt khó khăn khi mất việc, ốm đau, thai sản... Thế nhưng trụ cột an sinh xã hội này đang có những kẽ hở dễ dàng bị kẻ xấu trục lợi.
Cụ thể như trong việc triển khai thực hiện chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, người lao động có thể qua mặt cơ quan chức năng khi tìm được việc làm mới nhưng không khai báo để vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Không ít đơn vị sử dụng lao động “ăn gian” khi trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thậm chí đã và đang diễn ra tình trạng thu gom sổ bảo hiểm xã hội của người lao động đã nghỉ việc mà không nhận lại sổ, sau đó lập hồ sơ bảo hiểm xã hội khống, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều đối tượng còn lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan chức năng để hưởng các chế độ phúc lợi, gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách Nhà nước.
Hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm y tế cũng đã được cảnh báo nhiều. Đối tượng trục lợi không chỉ có người tham gia bảo hiểm y tế mà còn có cả các cơ sở y tế. Thực tiễn cho thấy không ít bệnh nhân chỉ trong mấy ngày có thể đi thăm khám ở nhiều bệnh viện khác nhau, với nhiều loại bệnh và dễ dàng “rút ruột” cơ số thuốc nằm trong danh mục được bảo hiểm thanh toán. Nhiều cơ sở y tế lạm dụng kỹ thuật, xét nghiệm, vật tư y tế, thuốc trong chẩn đoán và điều trị bệnh để hưởng thanh toán từ bảo hiểm. Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế đã nhiều lần được cảnh báo.
Tại Đồng Nai, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội) cho biết từ năm 2017 đến tháng 2-2018 đã có 458 trường hợp, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với trung tâm khi có việc làm; 605 trường hợp, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với trung tâm khi hưởng lương hưu hàng tháng. Tuy nhiên, cho đến nay hầu như chưa có trường hợp nào bị xử lý liên quan đến những sai phạm này.
Có doanh nghiệp đã phải ra tòa vì nợ bảo hiểm, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động, song vẫn có không ít doanh nghiệp chây ỳ, thậm chí “bỏ của chạy lấy người” như trường hợp đã xảy ra tại Công ty TNHH KL Texwell (huyện Trảng Bom).
Trong khi đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh và ngành y tế đã nhiều lần họp bàn giải pháp để chống vỡ quỹ bảo hiểm y tế. Giải pháp căn cơ được đưa ra vẫn là kiểm soát thật chặt chẽ quy trình khám chữa bệnh nhằm chống lạm dụng các kỹ thuật, xét nghiệm. Tình trạng này đã được hạn chế, song không phải không còn...
Rõ ràng là đang có những kẽ hở trong chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cần sự điều chỉnh kịp thời để tránh thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Song trước khi có sự điều chỉnh, các đơn vị có liên quan nên rà soát lại quy trình, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội này. Khâu nào còn thiếu kiểm soát, lỏng lẻo nên tăng cường kiểm tra, giám sát để thực hiện tốt hơn. Khâu nào nghi ngờ không minh bạch cần sự vào cuộc của cơ quan công an, không nên tránh né...
Minh Ngọc