Báo Đồng Nai điện tử
En

"Làm mới" nông thôn mới

11:03, 21/03/2018

Chưa có lúc nào mà mọi thứ lại thay đổi một cách nhanh chóng đến thế, trong đó có ngành nông nghiệp. Những gì hôm qua còn mới, còn là ứng dụng tân tiến nhất thì hôm nay đã cũ.

Chưa có lúc nào mà mọi thứ lại thay đổi một cách nhanh chóng đến thế, trong đó có ngành nông nghiệp. Những gì hôm qua còn mới, còn là ứng dụng tân tiến nhất thì hôm nay đã cũ.

Vậy nên, dưới áp lực của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0, không dễ và không nên định hình quan niệm “nông thôn mới” theo cách nhìn và tư duy cũ.

Đầu năm 2015, Xuân Lộc và Long Khánh là 2 địa phương cấp huyện đầu tiên của cả nước được Thủ tướng trao bằng công nhận huyện nông thôn mới bằng việc đáp ứng tất cả các yêu cầu của một huyện nông thôn mới do Chính phủ đề ra, từ cơ sở hạ tầng đến thu nhập người dân lẫn năng suất cây trồng… Và khi niềm vui qua đi, bản thân huyện Xuân Lộc nói riêng và Đồng Nai nói chung trăn trở với câu hỏi: sau nông thôn mới là gì? Và phải làm sao, phải làm thế nào để không những giữ vững được những thành tựu đầu tiên mà còn phải phát triển thêm nữa, bởi phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững không còn là câu chuyện của cá nhân một huyện, một tỉnh nào. Đồng Nai cũng là tỉnh đầu tiên xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, đánh dấu cái nhìn dài hạn trong xây dựng nông thôn mới. Hơn 3 năm qua đi từ ngày trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước, đến nay Xuân Lộc được vinh dự chọn là một trong 4 huyện của cả nước xây dựng mô hình điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu với đặc trưng là “sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững”. Nhưng thế nào là hiện đại và bền vững? Hiện tại, đề cương của đề án nông thôn mới kiểu mẫu này cơ bản đã hoàn thành và dự kiến thực hiện từ tháng 5 tới sau khi được phê duyệt. Nhìn chung, một số tiêu chí mà một huyện nông thôn mới kiểu mẫu phải đạt được là không dễ, như: trên 90% trang trại nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ khoa học  kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, có 40% trang trại áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt.

Ngoài ra, phải có 60% hợp tác xã phát triển được chuỗi liên kết đến tiêu thụ; trên 80% cơ sở sản xuất nông nghiệp có thị trường tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định; trên 90% doanh nghiệp có dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thêm vào đó, mỗi xã phải có ít nhất 2 sản phẩm tiêu biểu được xây dựng nhãn hiệu hàng hóa.

Thực tế, những tiêu chí trên là không dễ, bởi nó đòi hỏi phải có một nền tảng rất đồng bộ từ vốn và lãi suất, hạ tầng, phân phối, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kết nối cung - cầu… và trên hết là những điều kiện để địa phương chuẩn hóa sản phẩm đầu ra theo tiêu chuẩn xanh - sạch - chất lượng - giá cạnh tranh, không chỉ trong nước mà còn phải tính đến thị trường quốc tế, bởi nông sản ngày nay đâu chỉ bán ở chợ làng. Vậy nên, lãnh đạo huyện Xuân Lộc cũng đã bày tỏ những tâm tư trước vinh dự và trọng trách này, hy vọng các cấp, ngành có thể cùng hỗ trợ và tháo gỡ kịp những khó khăn để huyện có thể hoàn thành mục tiêu mà đề án giao phó.

Khó, song vẫn phải làm bởi xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu không chỉ là một nhiệm vụ chính trị, mà sâu xa hơn, đó là con đường điển hình mà nông dân  - nông nghiệp - nông thôn buộc phải chọn để sinh tồn trong thời đại mọi thứ thay đổi quá nhanh như hiện tại.

Vi Lâm

Tin xem nhiều