Từ bao đời nay dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, "Tôn sư trọng đạo". Muốn đào tạo ra người hữu ích cho xã hội thì phải có những người thầy tốt, thầy giỏi. Bởi, giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững đất nước, quyết định tương lai của dân tộc; giáo dục vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển xã hội.
Từ bao đời nay dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, “Tôn sư trọng đạo”. Muốn đào tạo ra người hữu ích cho xã hội thì phải có những người thầy tốt, thầy giỏi. Bởi, giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững đất nước, quyết định tương lai của dân tộc; giáo dục vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển xã hội.
Nền giáo dục Việt Nam đã sản sinh ra nhiều thầy giáo tài đức vẹn toàn, như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Đình Chiểu… Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã kế thừa và phát huy nền giáo dục truyền thống trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong quá trình xây dựng, lãnh đạo Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt coi trọng giáo dục, gắn giáo dục với việc thực hiện, hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng.
Sức mạnh của giáo dục có thể làm nên nhiều điều kỳ diệu, tạo ra những thay đổi lớn, tác động tích cực tới con người và xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định rằng muốn phát triển văn hóa thì phải cần thầy giáo, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Sự nghiệp giáo dục là mối quan tâm của toàn xã hội, trong đó gánh trọng trách lớn lao là người thầy. Để dạy tốt, đào tạo được những con người mới, có tài năng, trí tuệ, phẩm chất thì thầy cũng phải luôn cố gắng, nỗ lực vươn lên, không ngừng tìm tòi, sáng tạo. Với người thầy, chữ tâm, chữ tài phải được đặt lên hàng đầu. Không chỉ mẫu mực trong dạy chữ, dạy người mà trong cuộc sống sinh hoạt, trong giao tiếp hàng ngày cũng luôn phải giữ vững tác phong, chuẩn mực, phẩm chất đạo đức sáng ngời của nhà giáo.
Khắc ghi lời Bác dặn, kế thừa truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã có những quyết sách nhằm phát huy mọi tiềm năng của con người, trong đó có đội ngũ thầy cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục. Nguồn lực giáo dục, đào tạo trước hết là nguồn lực con người, trong đó thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục là nguồn lực quan trọng nhất.
Mỗi nhà trường cần phải tạo ra phong trào tôn vinh rộng rãi trong xã hội và trong các nhà trường đối với sự nghiệp giáo dục; tích cực đấu tranh, ngăn chặn những nhận thức, hành vi không đúng về nghề dạy học, cùng những biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín của người thầy cũng như phẩm giá, tư cách của nhà giáo.
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người thầy hôm nay ngoài việc ra sức trau dồi học vấn, kiến thức sâu rộng để truyền đạt đến học sinh, sinh viên, nâng cao chất lượng dạy và học, còn cần phải hướng đến một nền giáo dục khai phóng, tạo môi trường học tập, tạo điều kiện để người học có cơ hội học tập theo phương pháp tích cực và sáng tạo; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tập trung thực hiện xây dựng môi trường sư phạm để tạo ra những giá trị chân, thiện, mỹ...
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, xin mượn mấy lời của Tổng Bí thư Lê Duẩn để tôn vinh người thầy:”Nghề thầy giáo là nghề nhiều bạn nhất, là nghề có đời sống tình cảm dồi dào và phong phú nhất. Công việc của người thầy giáo cũng chẳng khác gì với công việc của người làm vườn; đối với hạt giống, những mầm non, phải chăm chút từng ly, từng tí, hết sức kiên nhẫn thận trọng. Càng yêu người bao nhiêu, thì càng yêu nghề bấy nhiêu”.
V.T
VĂN THANH