Báo Đồng Nai điện tử
En

Để pháp luật đi vào cuộc sống

11:11, 08/11/2017

Nước ta đang hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do vậy trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nước ta đang hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do vậy trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Mọi người dân, không kể thành phần địa vị xã hội, đều phải tuân thủ pháp luật, đó cũng là thước đo của nền văn minh xã hội. Pháp luật đóng vai trò là môi trường định hướng để quan hệ giao dịch tư nhân phát triển, bởi vì pháp luật được tạo ra là vì lợi ích của Nhà nước, tổ chức và từng cá nhân.

Cách đây 71 năm, ngày 9-11-1946 Hiến pháp đầu tiên của nước ta ra đời - đạo luật cơ bản và đầu tiên, một “tài sản” đặc biệt của toàn dân tộc. Ngày nay tại Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật lấy ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tạo bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật - một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, các ngành với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ, tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và của xã hội. Cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp.

Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội, đồng thời tăng cường nhận thức của mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân. Và tất nhiên, 364 ngày còn lại trong năm tất cả mọi công dân phải thượng tôn pháp luật và cũng đều là ngày pháp luật trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thông qua ngày này, mọi tổ chức, cá nhân, công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật. Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự đúng đắn, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước của dân và vì dân.

Chủ đề Ngày Pháp luật năm 2017 được xác định là “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp”. Ngày Pháp luật năm nay được tổ chức nhằm tạo bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vốn được coi là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng; mặt khác còn có tác dụng nhắc nhở mọi công dân tôn trọng, nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật, thực hành tự giác “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Đối với công chức, viên chức, Ngày Pháp luật là cơ hội để mỗi người tự soi lại mình, suy ngẫm để tự điều chỉnh ý thức và thái độ hành xử trong quan hệ với nhân dân sao cho xứng đáng với sự chờ đợi và đòi hỏi của người dân về một Nhà nước gần dân, vì dân và về một đội ngũ công chức “phụng công thủ pháp”.

Kim Vinh

Tin xem nhiều