Đã bước qua năm thứ 2 từ khi TP.Biên Hòa chính thức được công nhận là đô thị loại I với những trách nhiệm và kỳ vọng mới.
Đã bước qua năm thứ 2 từ khi TP.Biên Hòa chính thức được công nhận là đô thị loại I với những trách nhiệm và kỳ vọng mới. Chính quyền cũng đang nỗ lực rất nhiều để cải thiện đời sống đô thị bằng các công trình lớn, như: cầu An Hảo, hầm chui Tam Hiệp, hầm chui và cầu vượt ngã tư Vũng Tàu, cải tạo suối Săn Máu... cùng những dự án lớn đang thực hiện, như: dự án thoát nước ngã năm Biên Hùng, dự án hầm chui ngã tư Tân Phong... Chưa thể nói mọi thứ đã “đâu vào đó”, song những áp lực về ngập nước, kẹt xe cũng đang dần được giải tỏa.
Nhưng nếu xét về điểm nhấn đô thị và những công trình kiến trúc ấn tượng để tạo nên một đô thị có hồn, không nhạt nhòa như hàng trăm đô thị khác ở mọi nơi, thì có lẽ Biên Hòa chưa đáp ứng được. Thành phố cũng có quảng trường, có công viên bờ kè, có phố đi bộ, có rạp chiếu phim... Song dường như những công trình này cũng chỉ đang dừng ở mức giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân trước mắt, chứ chưa thực sự là những công trình đi vào lòng người và gây ấn tượng với khách phương xa. Những kiến trúc sư nổi tiếng xuất thân từ Biên Hòa, như: kiến trúc sư Khương Văn Mười hay kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất đều hơn một lần tỏ ra nuối tiếc khi Biên Hòa có quá nhiều những ưu đãi về tự nhiên và lịch sử, song xét về mặt kiến trúc lại “nhạt nhòa”.
Về mặt lịch sử, Biên Hòa có gần 320 năm hình thành và phát triển, những công trình từ thời Pháp thuộc duyên dáng nhưng giờ đã mai một nhiều, dấu ấn kiến trúc qua nhiều giai đoạn phát triển cũng không rõ ràng. Về mặt tự nhiên, Biên Hòa có hồ giữa phố, có Bửu Long, có dòng sông ôm lấy thành phố với một ngã ba sông rộng lớn có thể thành một “quảng trường nước” nếu muốn, có cù lao Phố xanh mát ngay bên cạnh khu vực nội thành sầm uất... Tuy nhiên, dường như tất cả vẫn đang thiếu một sự kết nối chung, một bàn tay quy hoạch đậm nét kiến trúc đô thị riêng tác động vào để thành phố trở nên ấn tượng hơn. Nhận xét chung này có thể dễ dàng tìm thấy ở các kiến trúc sư tâm huyết với Biên Hòa, thấy ở những cơ quan chuyên môn, và cả ở những người dân sinh sống lâu năm tại Biên Hòa.
Không thể phủ nhận những năm gần đây, Biên Hòa đã có thêm vài công trình quan trọng: Văn miếu Trấn Biên, cầu Hóa An mới, cầu Hiệp Hòa, cầu An Hảo, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai... Nhưng đồng thời, Biên Hòa cũng mất đi những dấu xưa tích cũ rất có hồn vì nhiều nguyên nhân, trong đó cầu Ghềnh là một ví dụ điển hình. Với các công trình hiện đại, do nhu cầu chung cư và trung tâm thương mại - dịch vụ của người dân chưa quá nhiều như ở TP.Hồ Chí Minh, nên tại Biên Hòa những dự án này mấy năm qua cũng không nhiều. Thành phố mới chỉ có thêm vài tòa nhà lớn, như: The Pegasus Plaza, Vincom Plaza, Sonadezi, tòa nhà chung cư Thanh Bình... song cũng phân bố rải rác và không gây nhiều ấn tượng.
Sẽ đến một lúc, khi các nhu cầu bức thiết về cuộc sống như mở đường hay thoát nước nhẹ đi, và nhu cầu có một thành phố xanh, sạch, đẹp, có điểm nhấn về kiến trúc trở thành một nhu cầu chính đáng của người dân. Hiện tại, Biên Hòa đã có quy hoạch tổng thể đến năm 2030, chính quyền cũng đang nỗ lực nhiều để giải quyết các vấn đề phát sinh của một đô thị nóng, như: nhà ở, bệnh viện, trường học, công viên... song nhất thiết cần có một tầm nhìn về kiến trúc đô thị để phát huy những giá trị riêng biệt của một đô thị loại I đã có bề dày trên 300 năm. Thành phố cần những công trình kiến trúc ấn tượng, có nét riêng, chẳng hạn nhà hát, quảng trường, những tòa nhà, những cây cầu, những góc phố, con đường bờ sông duyên dáng... để mỗi người dân sinh sống hay ghé thăm đều có thể tự hào.
Vi Lâm