Từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương qua 17 kỳ họp đã có kết luận và đề nghị kỷ luật hàng loạt cán bộ cấp cao ở nhiều lĩnh vực, địa phương.
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương qua 17 kỳ họp đã có kết luận và đề nghị kỷ luật hàng loạt cán bộ cấp cao ở nhiều lĩnh vực, địa phương. Điều này không chỉ góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh mà còn củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng đất nước. Nhiều người đã ví von ngành kiểm tra Đảng là thanh “thượng phương bảo kiếm” của Đảng.
Tuy nhiên, trong thực tế nhiệm vụ của ngành kiểm tra không chỉ là phát hiện, xử lý những sai phạm của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, mà quan trọng hơn thông qua công tác kiểm tra, giám sát, ngành góp phần kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Mục tiêu của công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng là nhằm chủ động phòng ngừa xảy ra khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên khi còn manh nha ngay tại cơ sở, tại chi bộ. Nói nôm na, ngành lấy mục tiêu phòng ngừa sai phạm, “trị bệnh cứu người” là chính - đó là nét rất nhân văn của ngành kiểm tra Đảng.
Những năm gần đây, trong các kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và một số ngành, địa phương đã có sự đổi mới mạnh mẽ, đó là công khai, minh bạch các thông báo, kết luận để đáp ứng nhu cầu về mặt thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong kết luận các vụ việc cũng công bố chi tiết, đầy đủ, rõ người rõ việc, đồng thời qua các đề nghị xử lý kỷ luật một số cán bộ cấp cao, trong đó có cả ủy viên Bộ Chính trị, đã thể hiện quyết tâm không có “vùng cấm” trong xử lý sai phạm của ngành. Ủy ban kiểm tra các cấp cũng chủ động hơn trong công tác kiểm tra tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Những đổi mới này đã thể hiện quyết tâm xây dựng Đảng của ngành, đồng thời tạo niềm tin cho các tầng lớp vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đánh giá: “Nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới hết sức nặng nề. Cán bộ kiểm tra luôn phải đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực của đồng chí, đồng đội và cả những người thân; luôn phải đấu tranh với chính mình để không phạm phải những cám dỗ đời thường. Đó là thách thức không nhỏ”.
Để hoàn thành nhiệm vụ công tác kiểm tra Đảng trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ cán bộ ngành kiểm tra không chỉ là những người giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, mà còn yêu cầu phải có phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, tính chiến đấu cao, có dũng khí đấu tranh và không bị chi phối bởi mọi sức ép, cám dỗ; trong làm việc phải công tâm, khách quan, sâu sát, thận trọng và ứng xử có văn hóa.
Quá nhiều khó khăn, quá nhiều đòi hỏi, nhưng trước sự kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân, tin rằng với truyền thống bảo vệ và xây dựng đất nước 69 năm qua, những cán bộ ngành kiểm tra của Đảng sẽ không hề chùn bước…
Hà Lam