Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần hiểu đúng về chính sách dân số

11:10, 22/10/2017

Công tác dân số là một trong những nội dung quan trọng được bàn bạc tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) vừa qua.

Công tác dân số là một trong những nội dung quan trọng được bàn bạc tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) vừa qua.

Theo đó, thời gian tới chính sách dân số chuyển trọng tâm từ dân số và kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, duy trì mức sinh thay thế vững chắc. Đây là những quan điểm mới nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhìn lại thời điểm đất nước mới thống nhất, tình hình kinh tế của nước ta cực kỳ khó khăn, vì vậy nếu quy mô và tốc độ dân số tăng quá nhanh sẽ gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, mục tiêu của nước ta lúc đó là giảm nhanh tốc độ tăng quy mô dân số, lấy giải pháp trọng tâm là kế hoạch hóa gia đình, mỗi gia đình chỉ sinh từ 1-2 con. Không riêng gì Việt Nam, thời điểm đó Trung Quốc cũng áp dụng chính sách ngặt nghèo hơn là mỗi gia đình chỉ sinh 1 con để nhanh chóng hạn chế tốc độ, quy mô tăng dân số.

Với nhiều giải pháp quyết liệt từ tuyên truyền vận động cho đến chế tài, tốc độ tăng dân số cả nước giảm từ hơn 2% (năm 1993) xuống còn 1,08% vào cuối năm 2016; mức sinh từ 3,7 con/bà mẹ giảm còn 2,1 con/bà mẹ - được xem là mức sinh thay thế. Nhờ chính sách kế hoạch hóa gia đình (ban hành từ năm 1993) nước ta đã tránh tăng dân số khoảng 20 triệu người. Chất lượng dân số nhờ đó được cải thiện về nhiều mặt, như: trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao; tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ suất tử vong ở trẻ em, tỷ số tử vong ở mẹ đều giảm; tầm vóc, thể lực, tuổi thọ của người Việt Nam tăng lên… Việt Nam đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, hiện đang ở giai đoạn “dân số vàng” với mức tăng hợp lý.

“Bức tranh tổng thể” thì đẹp, nhưng trong thực tế không phải địa phương nào, vùng nào cũng đạt mức sinh 2,1 con/bà mẹ mà có sự chênh lệch rất lớn giữa khu vực đô thị và vùng sâu, vùng xa. Ở đô thị, các cặp vợ chồng ngày càng “lười” sinh con. Cụ thể, khu vực Đông Nam bộ có mức sinh bình quân 1,63 con/bà mẹ (ở Đồng Nai là từ 1,9-2 con/bà mẹ, ở TP.Hồ Chí Minh là 1,45 con/bà mẹ), trong khi đó ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc là 2,69 con/bà mẹ, thậm chí ở Lai Châu con số này là 3,1 con/bà mẹ.

Nếu cao hơn mức sinh thay thế, hậu quả đã rõ. Nhưng nếu thấp hơn mức sinh thay thế, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ của “hội chứng 4-2-1” giống như Trung Quốc, tức cứ 4 người (ông bà nội, ngoại) mới có 2 con và 1 cháu. Điều này lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm, già hóa dân số, thiếu lao động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, mà thực tế đã diễn ra ở Nhật Bản, Hàn Quốc là bài học kinh nghiệm. Trung Quốc cũng đã đối mặt với tình trạng này, nên cũng thay thế chính sách sinh 1 con bằng chính sách sinh 1-2 con.

Vì thế, định hướng đặt ra tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) không phải tiếp tục thực hiện giảm sinh hay sinh “xả láng”, mà là duy trì mức sinh thay thế vững chắc ở tất cả các địa phương, vùng miền. Những nơi có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế cần phải đẩy mạnh các biện pháp giảm sinh, và ngược lại nơi đã đạt mức sinh thay thế hay thấp hơn thì cần khuyến khích sinh nhằm tránh nguy cơ suy giảm dân số.

Thời gian qua, một số người dân, trong đó có cả đảng viên, hiểu sai là Nhà nước khuyến khích đẻ nhiều con, vì thế mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng mạnh trở lại. Tại Đồng Nai, trong 9 tháng đều năm 2017 toàn tỉnh có 240 đảng viên bị thi hành kỷ luật thì tỷ lệ bị kỷ luật do sinh con thứ 3 chiếm đến 1/3. Hơn ai hết, cán bộ, công chức viên chức và đảng viên cần hiểu đúng về chính sách dân số trong tình hình mới để cùng với Nhà nước thực hiện.

Hà Lam

Tin xem nhiều