Chuẩn bị đưa đất nước đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngay từ năm 1997 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 (khóa VIII) đã ra Nghị quyết Trung ương 3 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chuẩn bị đưa đất nước đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngay từ năm 1997 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 (khóa VIII) đã ra Nghị quyết Trung ương 3 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu của nghị quyết nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là cán bộ đứng đầu, vừa có phẩm chất và năng lực, vừa có bản lĩnh chính trị để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giữ vững độc lập tự chủ, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nghị quyết đã cụ thể hóa vấn đề công tác cán bộ từ số lượng cho đến chất lượng, như: phải bảo đảm có đủ nguồn cán bộ để mỗi nhiệm kỳ có thể đổi mới khoảng 30-40% số cán bộ lãnh đạo theo hướng trẻ hóa; phấn đấu đến năm 2020 số cán bộ nguồn có trình độ đại học, cao đẳng trở lên bằng khoảng 4% dân số cả nước. Nghị quyết cũng đưa ra các tiêu chí cụ thể về đánh giá, tuyển chọn, bổ nhiệm và miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ; đồng thời quy định về việc nhân dân tham gia xây dựng và giám sát cán bộ. Đến nay sau 20 năm, nhìn lại những vấn đề nghị quyết nêu ra vẫn còn nguyên giá trị. Có thể nói, thời gian qua nghị quyết chính là “kim chỉ nam” trong công tác cán bộ của các địa phương lẫn trung ương.
Thế nhưng trong thực tế, một số địa phương, bộ, ngành vẫn còn xảy ra “vấn đề” trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ dẫn đến bức xúc làm giảm niềm tin của quần chúng nhân dân. Hàng loạt vụ bổ nhiệm “người nhà”, bổ nhiệm sai quy trình, luân chuyển cán bộ không đúng nguyên tắc, đề bạt cán bộ yếu kém… đã được phanh phui gần đây cho thấy những “lỗ hổng” trong công tác cán bộ cần được chấn chỉnh. Đây cũng là điều tất yếu, bởi bất cứ một chính sách, chủ trương nào cũng cần được cập nhật theo sự phát triển của một xã hội vận động.
Mới đây nhất, ngày 7-10-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98-QÐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Mục tiêu của Quy định 98 là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Ðảng về công tác cán bộ và luân chuyển cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn, đồng thời “mạnh tay” đổi mới công tác luân chuyển cán bộ nhằm đảm bảo tính dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và cán bộ cấp chiến lược...
Quy định 98 chính là “bịt lỗ hổng” trong công tác cán bộ lâu nay, đảm bảo tính kế thừa và góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) hiệu quả hơn nữa. Trong đó, Quy định 98 nhấn mạnh đến tính dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng. Đây là những yếu tố quan trọng cần phải có trong công tác cán bộ, phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân đối với cán bộ mà trước đó Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) đã đề cập đến.
Hà Lam