Báo Đồng Nai điện tử
En

Bình đẳng giới - mục tiêu hướng tới

10:10, 23/10/2017

Cùng với cả nước, Đồng Nai đã đi qua 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới với nhiều thành tựu ấn tượng, nhưng vẫn còn đó không ít bất cập và nỗi lo đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Cùng với cả nước, Đồng Nai đã đi qua 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới với nhiều thành tựu ấn tượng, nhưng vẫn còn đó không ít bất cập và nỗi lo đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, bình đẳng giới được xem là mục tiêu quan trọng mà các quốc gia dân chủ, văn minh và tiến bộ hướng tới. Bình đẳng giới được Liên hợp quốc và nhiều quốc gia xem là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội. Kể từ khi ban hành Luật Bình đẳng giới đến nay, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực không ngừng nhằm tạo điều kiện tối đa cho phụ nữ và nam giới bình đẳng nhau trong tiếp cận các lĩnh vực xã hội, được thụ hưởng những thành quả như nhau, được bình đẳng trong thực hiện quyền con người, quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực. Ngoài ban hành Luật Bình đẳng giới, Việt Nam đã ban hành đồng bộ rất nhiều văn bản nhằm thu hẹp và xóa bỏ khoảng cách về giới và đây được xem là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam hướng tới.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới. Các vị lãnh đạo Nhà nước ở Việt Nam hiện nay cũng có nhiều người là nữ. Đặc biệt, sau Đại hội XII của Đảng, lần đầu tiên trong Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam có 3 người là nữ. Ở Đồng Nai, nhiều lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành là nữ.

Cùng với đó, các chỉ số về bình đẳng giới ở Việt Nam thông qua việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục tới trẻ em gái, trẻ em trai, phụ nữ, nam giới, tỷ lệ mù chữ của nữ giới so với nam giới ngày càng giảm…

Tất nhiên, tình trạng bất bình đẳng giới ở Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng đang có xu hướng tăng, nhất là trong lĩnh vực lao động nữ ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tình trạng bất bình đẳng trong lao động và thu nhập tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước giữa nam và nữ đang tăng mạnh. Sự phân biệt đối xử với công nhân nữ rõ hơn khi nguy cơ bị sa thải cao hơn công nhân nam, nhất là nữ công nhân sau tuổi 35. Ngoài ra, nhiều công nhân nữ phải chịu mức lương thấp hơn. Trong gia đình, phụ nữ vẫn phải làm việc nhiều hơn nam giới, vẫn còn những phụ nữ bị bạo hành và vẫn còn phụ nữ, trẻ em gái trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục… Phụ nữ công nhân, phụ nữ ở một số vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế. Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nhiều công nhân nữ, song tiếp cận về chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với nhiều công nhân nữ vẫn còn rất khó khăn và thiếu thốn. Tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn tồn tại, nhất là ở vùng sâu, vùng xa…

Tất cả những hạn chế về bình đẳng giới ở Việt Nam và Đồng Nai thời gian qua đã được xác định rõ nguyên nhân. Vấn đề còn lại chính là thay đổi nhận thức và hành vi của cả xã hội về vấn đề này, của không chỉ nam giới mà cả của phụ nữ. Việc tiến tới một xã hội đảm bảo bình đẳng giới không chỉ của riêng nữ giới, mà của mọi người, là mục tiêu cần sớm hoàn thành của các quốc gia, để từ đó góp phần xây dựng một thế giới phát triển bền vững.

VŨ TRUNG KIÊN

Tin xem nhiều