Báo Đồng Nai điện tử
En

Dệt may và "phiên bản 4.0"

12:07, 17/07/2017

130 ngàn lao động tại Đồng Nai nói riêng và khoảng 2,5 triệu lao động hoạt động trong ngành dệt may cả nước nói chung sẽ thế nào nếu trong vài năm tới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ lan rộng và các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành quyết định ứng dụng rộng rãi các thành tựu để giảm bớt chi phí lao động?

130 ngàn lao động tại Đồng Nai nói riêng và khoảng 2,5 triệu lao động hoạt động trong ngành dệt may cả nước nói chung sẽ thế nào nếu trong vài năm tới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ lan rộng và các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành quyết định ứng dụng rộng rãi các thành tựu để giảm bớt chi phí lao động?

Và Việt Nam cùng những nước lâu nay chọn lao động giá rẻ làm thế mạnh thu hút đầu tư sẽ có những tính toán gì để đảm bảo việc làm cho hàng triệu lao động? Đó là bài toán lớn nhưng phải giải nhanh, trong đó thoát khỏi gia công trong các lĩnh vực dệt may, da giày dù đã được đề cập đến từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa làm được.

Theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), dự báo máy móc công nghệ 4.0 có thể thay thế 65% lao động dệt may, da giày của Indonesia, 86% của Việt Nam, 88% của Campuchia trong một thập niên tới (nguồn: Wikipedia). Như vậy, gia công dệt may sẽ mất hẳn thế mạnh bởi máy móc và công nghệ đã thay thế bàn tay con người, và vẫn làm ra sản phẩm chất lượng. Nhiều báo cũng trích lời ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, phân tích một nhà máy có 3 vạn cọc sợi trước đây phải cần tới 450 lao động, thì bây giờ chỉ cần tối đa 30 người. Đối với lĩnh vực dệt, trước đây một công nhân có thể chỉ đứng 2 máy, thì hiện có thể đứng 8-10 máy, thậm chí 12 máy… Do đó, khi cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, sẽ có một lượng lớn công nhân trong ngành dệt, sợi bị dư thừa, và có thể ngành dệt may của nhiều nước sẽ rơi vào khủng hoảng.

Mặc dù vậy, thoát khỏi gia công là điều không dễ dàng sau hàng chục năm ngành dệt may Việt Nam đã “nhận” cho mình vai trò khó nhọc nhất, với lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Lâu nay, các tập đoàn dệt may lớn đến với Việt Nam cũng vì dễ thuê lao động giá rẻ để giải quyết các khâu cần đến bàn tay con người trong sản xuất. Cách mạng công nghiệp diễn ra trong nhiều năm qua vẫn chừa chỗ cho lao động phổ thông rất nhiều trong các khâu có sử dụng máy móc, bởi trình độ phát triển máy móc, công nghệ vẫn chưa thể hoàn toàn thay thế con người. Tuy nhiên, cách mạng 4.0 được xem là cuộc chơi của các công nghệ thông minh vào bậc nhất, trong đó không loại trừ các robot có trí tuệ tương đương bộ não con người, hoàn toàn có khả năng “loại” chính những con người thực thụ trong nhiều lĩnh vực. Khi ứng dụng các công nghệ thông minh, nhà sản xuất sẽ tránh được nhiều loại chi phí phải chi trả cho một công nhân bình thường và hạ giá thành sản phẩm. Vì vậy, cách mạng 4.0 được cho là không phải cuộc chơi của những lao động có tay nghề và hàm lượng chất xám thấp.

Đứng trước những đổi thay của thời cuộc, soi chiếu vào từng ngành sản xuất đã và đang được coi là thế mạnh của Việt Nam như dệt may hay da giày, thì việc thoát khỏi gia công, định vị lại mình ở một vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu là điều cần làm, và làm nhanh hơn nữa. Mong rằng với những nhận thức thực tế về cuộc cách mạng mới, nhận thức được sự vận hành và đổi thay rất nhanh của thế giới, Việt Nam sẽ nhanh chóng có những chính sách đủ mạnh, đủ nhanh để ứng phó với sự thay đổi đó, vốn đã đến rất gần. Và câu chuyện này không chỉ nằm ở lĩnh vực gia công dệt may, mà còn nằm ở mọi ngành nghề, lĩnh vực quan trọng khác.

VI LÂM

 

Tin xem nhiều