Ngày 14-4, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải cải cách căn bản, toàn diện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.
Ngày 14-4, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải cải cách căn bản, toàn diện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.
Theo kế hoạch, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì hoàn thiện đề cương đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp để trình Bộ Chính trị vào quý I-2018 và đến tháng 5 năm sau trình Trung ương. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại cuộc họp này là phải quyết liệt tinh giản biên chế để có nguồn tiền tăng lương.
Đây là bước đi cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 (khóa XI) về đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo lộ trình, năm 2015 đã phải tăng lương nhưng Chính phủ đã không thể tìm đâu ra nguồn 44 ngàn tỷ đồng để tăng lương. Tất nhiên, khó khăn này có rất nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân không kém phần quan trọng là số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước ở Việt Nam hiện nay quá lớn. Theo số liệu từ Bộ Nội vụ, hiện nay tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị tính đến 30-10-2016 là hơn 3,73 triệu người, vượt khoảng 8.740 người (tương đương 0,23%) số được giao. Tỷ lệ phân bổ như sau: khối các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội là hơn 87.500 người; khối Quốc hội hơn 38.900 người; khối Chính phủ và chính quyền địa phương (chưa bao gồm quân đội, công an) chiếm số lượng lớn nhất với hơn 3,6 triệu người. Như vậy, có thể thấy cứ trung bình khoảng 20-25 người (bao gồm cả trẻ em) nộp thuế để nuôi 1 cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Đó là chưa kể cả nước hiện có 56.800 đơn vị sự nghiệp công lập với tổng số biên chế trên 2,1 triệu người, trong đó rất nhiều đơn vị sự nghiệp Nhà nước vẫn còn bao cấp toàn bộ.
Những năm qua, rất nhiều các chủ trương, chính sách về tinh giản biên chế đã được ban hành và thực thi, nhưng biên chế hầu như không giảm mà vẫn tăng đều qua mỗi năm. Báo cáo của đề án tinh giản biên chế tại Hội nghị Trung ương 10 (khóa XI) cho biết so với năm 2007, số cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên tăng 14,43%; số viên chức tăng 39,11%. Dư luận có quyền nghi ngờ và đặt câu hỏi trong tổng số 3,73 triệu cán bộ, công chức, 2,1 triệu viên chức Nhà nước nêu trên có bao nhiêu phần trăm thuộc dạng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, bao nhiêu phần trăm trong số này thật sự xứng với “đồng tiền bát gạo” mà người dân bỏ ra thông qua việc đóng thuế để nuôi bộ máy.
Công cuộc tinh giản biên chế đã đến hồi bức thiết và không thể không nhanh chóng tiến hành, bởi nếu không tinh giản biên chế sẽ rất khó để tăng lương. Nếu không tăng lương sẽ không có động lực để khuyến khích những người giỏi, những người có tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Để tinh giản biên chế, cần có tổng rà soát đội ngũ công chức, viên chức trên toàn quốc, hoàn thiện vị trí việc làm, ban hành cơ chế chuẩn để đánh giá tổng thể, khách quan về năng lực, chất lượng công chức, viên chức. Tinh giản biên chế phải đi cùng với việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; sử dụng đúng người, đúng việc. Đặc biệt, cần có chủ trương và thực hiện thống nhất, quyết liệt trên toàn quốc về việc nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo hiện nay của các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Tinh giản biên chế, không thể chần chừ.
Ngọc Anh