Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn hóa vỉa hè

11:03, 05/03/2017

Khái niệm "văn hóa" trong sinh hoạt gần đây được sử dụng khá nhiều trên các phương tiện đại chúng, như: văn hóa ẩm thực, văn hóa giao thông... để chỉ về phong cách ứng xử về các mối quan hệ hàng ngày ngoài xã hội sao cho có... văn hóa.

Khái niệm “văn hóa” trong sinh hoạt gần đây được sử dụng khá nhiều trên các phương tiện đại chúng, như: văn hóa ẩm thực, văn hóa giao thông... để chỉ về phong cách ứng xử về các mối quan hệ hàng ngày ngoài xã hội sao cho có... văn hóa.

Cửa hàng kinh doanh còn xây dựng lấn ra vỉa hè đường Phạm Văn Thuận.
Cửa hàng kinh doanh còn xây dựng lấn ra vỉa hè đường Phạm Văn Thuận (ảnh minh họa)

Chính vì vậy, tình trạng vỉa hè mạnh ai nấy chiếm để tổ chức kinh doanh theo dạng: cà phê vỉa hè, cơm vỉa hè, giữ xe vỉa hè… rất bát nháo khiến khách bộ hành không còn chỗ đi, buộc phải xuống lòng đường được xem là cách ứng xử thiếu văn hóa.

Thực ra, lâu nay trật tự vỉa hè cũng được xem là một mặt trong văn hóa của đời sống và văn minh đô thị. Luật pháp quy định mọi hộ gia đình phải nghiêm túc thực hiện các quy định trong cuộc sống, như: không xả rác bừa bãi, không bày biện vật dụng… để cho vỉa hè được sạch đẹp, thông thoáng.

Tuy nhiên trong thực tế, đời sống đô thị vốn xô bồ, náo nhiệt, vì vậy vỉa hè ngổn ngang càng làm cho phố thị trở nên bức bối, thiếu không gian thư thả cho người đi bộ ngắm nhìn đường phố, nhất là vào ban đêm. Có thể nói, ai cũng thấy điều này là cần thiết.

Thế nhưng, đáng tiếc là thời gian qua trật tự vỉa hè ở TP.Biên Hòa không được lập lại một cách đúng nghĩa. Đã có nhiều đợt chính quyền, đoàn thể ra quân rầm rộ, nhưng sau khi hô hào trả lại vỉa hè cho người đi bộ được mấy ngày thì mọi chuyện đâu lại vào đấy như chẳng có gì đáng phải quan tâm.

Trong khi đó, chính quyền địa phương bất lực khi không dẹp bỏ được một bãi giữ xe cỏn con, một quán cóc chỉ có mấy cái bàn và ghế nhỏ, hay chợ lề đường; còn người kinh doanh trên vỉa hè thì dửng dưng buôn bán, không hề xem đó là  hành vi vi phạm.

Nói cách khác, việc chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, trong khi cán bộ thực thi công vụ lại thiếu trách nhiệm, thậm chí cố tình lờ đi để khỏi bị… đụng chạm. Từ đó, vỉa hè vẫn được tận dụng đủ kiểu với mọi hình thức kinh doanh tạp nham, cho nên vỉa hè hiện nay không còn nét văn hóa vốn có trong các đô thị ngày trước.

Sự quá dễ dãi của chính quyền địa phương lâu ngày khiến vỉa hè ngày càng bị xâm phạm khi nhà nhà “biến tấu” phần mặt tiền trước nhà mình thành của riêng để đặt bàn ghế, hàng hóa, treo bảng hiệu quảng cáo vô tội vạ; không ít gia đình còn đập luôn vỉa hè để xây dựng bậc tam cấp, hoặc công trình phụ làm cho không gian trở nên ngột ngạt, rất chướng mắt, che khuất tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông.

Đáng kể là khi thành phố lên đèn, nhiều tuyến phố ô tô đậu hàng dài trên các vỉa hè bít cả lề đường, dẫn đến người đi bộ phải lách xuống lòng đường, sinh mạng người tham gia giao thông bị đe dọa.

Phải nói rằng, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, trong đó có văn hóa vỉa hè là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Bởi văn hóa vỉa hè là nét độc đáo, góp phần tạo mỹ quan, bản sắc đô thị cho thành phố.

Vì vậy, “dẹp loạn vỉa hè” cho dù có ảnh hưởng đến một bộ phận người dân, song không thể không làm, nếu không, đường phố sẽ tiếp tục mất trật tự, “loạn” theo kiểu mạnh ai nấy làm biến dạng vỉa hè. Và chắc chắn vỉa hè sẽ còn hỗn độn, không còn sức sống đúng nghĩa như chức năng vốn có: dành cho người đi bộ.

Đô thị loại I Biên Hòa rất cần quy hoạch, thiết kế những vỉa hè đẹp, kiểu mẫu với một không gian thật sự thoáng cho người đi bộ thong thả ngắm nhìn đường phố như một số thành phố lớn đã làm. Có như thế, Biên Hòa mới thể hiện rõ nét bức tranh phố thị hiện đại, là điều người dân đang mong đợi.

TẠ NGUYÊN

­

Tin xem nhiều