Báo Đồng Nai điện tử
En

Trông vào đâu để sản xuất?

10:02, 27/02/2017

Khi những nỗ lực "giải cứu chuối" vẫn đang sôi sục ở Ðồng Nai và TP.Hồ Chí Minh thì tại Ðồng Nai lại tiếp tục xảy ra việc gà rớt giá. Hiện giá gà được nông dân so sánh với giá... rau khi 1kg gà thấp hơn hoặc xấp xỉ 1kg rau.

Khi những nỗ lực “giải cứu chuối” vẫn đang sôi sục ở Ðồng Nai và TP.Hồ Chí Minh thì tại Ðồng Nai lại tiếp tục xảy ra việc gà rớt giá. Hiện giá gà được nông dân so sánh với giá... rau khi 1kg gà thấp hơn hoặc xấp xỉ 1kg rau.

Cụ thể, gà trắng bán tại trại chỉ còn 15-16 ngàn đồng/kg, chưa bằng giá 1kg rau ăn lá phổ biến, như: cải xanh, rau ngót, mùng tơi... tại các chợ lẻ (từ 18-22 ngàn đồng/kg).

Lần này, thua lỗ có vẻ nghiêm trọng hơn bởi Đồng Nai là tỉnh có tổng đàn gà đứng thứ 2 trong cả nước với gần 18 triệu con. Trước đó là heo, là thanh long, là cá sấu… giá liên tục giảm xuống tận đáy.

Thật khó để mong muốn người tiêu dùng “giải cứu” nông sản hết lần này đến lượt khác, chưa kể về căn bản các đợt giải cứu chỉ mang tính động viên tinh thần và cảnh báo là chính, chứ chưa giải quyết căn cơ được khối lượng nông sản tồn kho, bởi thị trường nội địa khó mà tiêu thụ hết được hàng trăm ngàn tấn chuối hay hàng triệu con gà trong ngắn hạn.

Những ví dụ phổ biến như trên là những biểu hiện của sự “tù mù” trong thông tin thị trường của nông dân trước khi bắt tay vào sản xuất. Một nền nông nghiệp hàng hóa với sản lượng lớn không thể chỉ tuân theo quy luật truyền thống là “sản xuất trước - bán hàng sau”, bởi khi năng suất tăng quá mạnh mà nơi tiêu thụ yếu ớt thì “thảm họa” rất dễ xảy ra.

Những vườn chuối, thanh long, cà chua… chín rục trong vườn vì công hái còn cao hơn giá bán diễn ra liên tục hàng năm, song cho đến giờ vẫn chưa có giải pháp căn bản để giải quyết.

So sánh với sản xuất công nghiệp, người ta thấy một bức tranh tươi sáng hơn bởi các doanh nghiệp chỉ sản xuất khi có trong tay đơn đặt hàng, vì đơn giản không thể làm ra vài trăm ngàn chiếc áo sơ mi hay vài chục ngàn chiếc máy bơm rồi chờ thương lái đến mua, ít nhất doanh nghiệp phải có trong tay một số thông tin về nhu cầu thị trường trong nước lẫn ngoài nước với các yêu cầu tương đối cụ thể về phẩm chất hàng hóa.

Trong khi đó, sản xuất nông sản đang dần chuyển thành sản xuất hàng hóa với sự tham gia của công nghệ cao, thì nông dân hầu như hoàn toàn mù mờ về nhu cầu tiêu thụ và các yêu cầu mà thị trường đặt ra, dẫn đến chỗ nơi thiếu vẫn thiếu, chỗ thừa vẫn thừa.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp đưa ra ý kiến là cần thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp, chuyển từ “sản xuất trước - bán hàng sau” thành “bán hàng trước - sản xuất sau”, nôm na là cần nghiên cứu thị trường trước khi dồn sức vào sản xuất.

Chẳng hạn, cà phê hay đậu nành trên thế giới đang lên hay xuống, nhu cầu của người tiêu dùng thế nào, đối thủ cạnh tranh mùa này là ai và những yêu cầu mới về phẩm chất sản phẩm thế nào, thị trường nội địa có khả năng tiêu thụ bao nhiêu và những vùng nào trong cả nước đang sản xuất cùng loại nông sản này, diện tích khoảng bao nhiêu…

Lẽ dĩ nhiên, nông dân khó có điều kiện để tự xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường như trên, mà chính các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm cung cấp những thông tin căn bản đó một cách kịp thời, và sau khi cung cấp thì lựa chọn làm nhiều hay ít là của nông dân. Năng lực sản xuất của nông dân ngày một tốt, năng suất nông sản rất cao, nhưng rốt cuộc các vấn đề căn bản nhất về tiêu thụ hàng hóa vẫn chưa giải quyết nổi.

Vậy nên những nỗi niềm sâu xa đằng sau những tấm gương nông dân giỏi hay những trang trại có năng suất vượt trội luôn xoay quanh câu hỏi: năng suất đã quá tốt rồi, nhưng sản phẩm thì bán cho ai?

Kim Ngân

Tin xem nhiều