Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp được hỗ trợ từ 15-20 tỷ đồng từ giữa năm 2016; Đồng Nai tiếp tục kiến nghị Trung ương cho tăng thời gian miễn tiền thuê đất từ 11 năm lên 15 năm, và giảm đến 50% số tiền ký quỹ cho nhà đầu tư vào cụm công nghiệp thay vì chỉ giảm 25% như hiện tại.
Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp được hỗ trợ từ 15-20 tỷ đồng từ giữa năm 2016; Đồng Nai tiếp tục kiến nghị Trung ương cho tăng thời gian miễn tiền thuê đất từ 11 năm lên 15 năm, và giảm đến 50% số tiền ký quỹ cho nhà đầu tư vào cụm công nghiệp thay vì chỉ giảm 25% như hiện tại. Cùng với nhiều kiến nghị về cải cách thủ tục hành chính khác, Đồng Nai đang từng bước tháo gỡ khó khăn trong đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn.
Cách đây nhiều năm, hàng chục cụm công nghiệp được quy hoạch khắp các địa phương, có tổng diện tích lên đến hàng ngàn hécta với mục tiêu là di dời, sắp xếp, thu hút các cơ sở, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cá nhân, hộ gia đình đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Song, phần lớn các cụm công nghiệp dù có quy hoạch 5-7 năm song vẫn chưa thể triển khai do không mời gọi được doanh nghiệp đầu tư hạ tầng. Sau nhiều đợt rút gọn, xóa quy hoạch những cụm công nghiệp không có khả năng phát triển, Đồng Nai còn lại 27 cụm công nghiệp phân bố rải rác khắp tỉnh, thế nhưng việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng vẫn hết sức khó khăn. Tuy nhiên, nhờ những chính sách hỗ trợ “sát sườn”, chỉ trong hơn nửa năm (từ giữa năm 2016 đến đầu tháng 2-2017) toàn tỉnh có 23/27 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng. Đây là kết quả đáng khuyến khích sau nhiều năm nỗ lực mời gọi nhà đầu tư.
Nhìn rộng ra, có thể thấy rằng những động thái hỗ trợ doanh nghiệp từ phía chính quyền rất được các nhà đầu tư và doanh nghiệp quan tâm. Những chính sách rõ ràng, cụ thể, hỗ trợ sát với nhu cầu doanh nghiệp lại càng được đánh giá cao hơn nữa. Thực tế, trong tổng thể các địa phương cùng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, địa phương nào có chính quyền năng động, quan tâm thiết thực đến lợi ích doanh nghiệp thì không khí đầu tư khác hẳn: vốn “chảy” vào nhanh và mạnh hơn, nhà đầu tư liên tục đến tìm hiểu và đầu tư dự án, các khu/cụm công nghiệp nhanh chóng được lấp đầy…
Có thể hiểu, những yếu tố thuận lợi chung, như: đường cao tốc, cảng sông, cảng biển, sân bay, những quy định chung về pháp luật… là “phần cứng” trong thu hút đầu tư, còn lại những chính sách hỗ trợ đặc thù theo từng nơi, thái độ chính quyền, thủ tục hành chính, hiểu biết về văn hóa của đối tác… được xem là “sức mạnh mềm” và có vai trò khá quan trọng trong suy nghĩ nhà đầu tư, góp phần khá nhiều trong quyết định đầu tư dự án tại địa phương.
Nhiều năm qua, Đồng Nai đã là một trong những nơi được đánh giá cao, từ quan điểm nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp” đến những ưu đãi đặc thù về công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao… Và nay, chính sách thu hút đầu tư hạ tầng cho cụm công nghiệp là một ví dụ khác minh chứng cho điều này. Do vậy, trong tương lai khi môi trường đầu tư đòi hỏi phải cạnh tranh với nhiều địa phương khác trong thu hút vốn, những yếu tố “mềm” nổi bật của từng địa phương càng được chú trọng nhiều hơn, nhất là để thu hút được những dự án đầu tư xanh, sạch và có hàm lượng chất xám cao.
VI LÂM