Hơn 10 ngày qua, nông dân nuôi heo Đồng Nai bồn chồn không yên vì một đề án của TP.Hồ Chí Minh chính thức đi vào thực hiện sau 3 tháng triển khai.
Hơn 10 ngày qua, nông dân nuôi heo Đồng Nai bồn chồn không yên vì một đề án của TP.Hồ Chí Minh chính thức đi vào thực hiện sau 3 tháng triển khai. Đó là chương trình nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng công nghệ thông tin nằm trong mô hình “Chợ thí điểm an toàn thực phẩm” do Sở Công thương, Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) và Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh thực hiện. Chương trình bắt đầu thí điểm từ ngày 10-12-2016 và triển khai chính thức trên toàn thành phố từ ngày 1-3-2017.
Sở dĩ nông dân nuôi heo (chủ yếu quy mô nhỏ lẻ) tại Đồng Nai đứng ngồi không yên là do lượng heo xuất bán mỗi ngày của họ vào thị trường TP.Hồ Chí Minh khá lớn, thông qua chợ đầu mối Tân Xuân, mỗi ngày lượng heo có thể đạt từ 3,5-4,5 ngàn con và còn tăng cao hơn vào những dịp cao điểm như lễ, tết. Tuy nhiên, do không chuẩn bị kịp nên nhiều lô heo đã bị từ chối cho vào chợ từ ngày 1-3 do thiếu vòng truy xuất, khiến cả tiểu thương lẫn người bán chạy vạy khắp nơi tìm cách gỡ rối.
Chủ cơ sở chăn nuôi sẽ đăng ký mua vòng nhận diện có khắc mã số riêng theo đúng quy định bảo mật. Sau đó, kích hoạt các vòng nhận diện để khai báo về cơ sở chăn nuôi (tên, địa chỉ, ngày, giờ kích hoạt…) ngay trước khi xuất bán heo rồi buộc vào chân heo. Quy trình này sẽ được thực hiện kích hoạt theo phần mềm riêng để đảm bảo con heo đó có thể truy xuất được tất cả các bước từ chuồng trại đến nơi giết thịt, pha lóc, qua đến chợ, siêu thị, cửa hàng… Và bằng phần mềm cài sẵn trong điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể quét mã để biết miếng thịt heo mình mua được nuôi ở trại nào, giết mổ ngày nào, có được chứng nhận là an toàn hay không…
Thực tế, từ tháng 11-2016, Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Sở Công thương Đồng Nai đưa các chuyên gia triển khai tập huấn cho trang trại, thương lái, thú y. Tuy nhiên, chỉ một số biết được sự cần thiết của đề án mới quan tâm đăng ký tham gia. Tính đến ngày 8-3, toàn tỉnh chỉ có 325 trang trại với từ 1-1,5 ngàn con heo đã tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP. Hồ Chí Minh. Số trang trại trên chủ yếu là các trang trại lớn nuôi gia công cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đa số các trại chăn nuôi hộ gia đình đều chưa tham gia chương trình. Không rõ nguyên nhân vì sao một chương trình được triển khai rộng rãi suốt mấy tháng mà rất nhiều hộ nông dân nuôi heo không biết, song rõ ràng là họ vẫn phải tuân thủ những quy định chung của TP.Hồ Chí Minh vì chưa có động thái nào cho thấy thành phố có 10 triệu người tiêu dùng này sẽ nới lỏng các quy định của đề án mà họ đang thực hiện.
Lãnh đạo Sở Công thương Đồng Nai cho biết sẽ nhanh chóng phối hợp với các sở, ngành liên quan trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ nông dân thực hiện nhanh nhất các biện pháp để đưa heo Đồng Nai vào thị trường TP.Hồ Chí Minh thuận lợi, song rõ ràng, người nuôi heo cần nhạy cảm hơn với các thông tin thị trường nơi sản phẩm của mình được bán ra để có những sự chuẩn bị nhanh nhất, tránh rơi vào thế bị động. Đặc biệt, cần có tư duy tuân thủ các luật chơi chung của các thị trường và chấp nhận không có ngoại lệ, nhất là khi luật chơi đó đem lại lợi ích lâu dài cho người tiêu dùng nói chung và góp phần làm minh bạch chất lượng heo nói riêng và các loại nông sản khác nói chung.
VI LÂM