Một cụ bà là cán bộ tiền khởi nghĩa từng kể, lúc nhỏ là thôn nữ sống quẩn quanh trong làng, chứng kiến cảnh dân làng sống khổ sở lầm than dưới ách thực dân, phong kiến bà chỉ cho đó là số phận, ước mơ lớn nhất của bà thời ấy là dành dụm đủ tiền may chiếc áo bằng vải Thượng Hải và sắm chiếc kiềng bạc đeo cổ.
Một cụ bà là cán bộ tiền khởi nghĩa từng kể, lúc nhỏ là thôn nữ sống quẩn quanh trong làng, chứng kiến cảnh dân làng sống khổ sở lầm than dưới ách thực dân, phong kiến bà chỉ cho đó là số phận, ước mơ lớn nhất của bà thời ấy là dành dụm đủ tiền may chiếc áo bằng vải Thượng Hải và sắm chiếc kiềng bạc đeo cổ.
Chỉ đến khi giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng, bà mới có tư tưởng, tầm nhìn rộng lớn về vận mệnh đất nước, dân tộc, ý thức được vai trò, vị trí và sức mạnh của người phụ nữ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc. Theo bà, đó là điều lớn lao nhất mà Đảng đã đem đến cho bà và hàng triệu phụ nữ Việt Nam.
Nhìn lại, lịch sử ra đời của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam gắn liền với lịch sử Đảng. Từ năm 1930, tiền thân của Hội là Tổ chức phụ nữ giải phóng ra đời, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia đấu tranh cách mạng đòi quyền lợi kinh tế, cải thiện đời sống, chống áp bức của đế quốc phong kiến.
Kể từ lần đại hội đầu tiên vào năm 1950 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã trải qua 11 kỳ đại hội. Mỗi một kỳ đại hội đều đề ra các mục tiêu phù hợp tình hình của đất nước. Trong giai đoạn kháng chiến, mục tiêu chủ yếu của hội viên phụ nữ là ủng hộ chiến đấu, thi đua tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống phụ nữ và bảo vệ nhi đồng, cứu tế xã hội…
Tuy nhiên ngay từ Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ I (nhiệm kỳ 1950-1956), Hội đã xác định những mục tiêu “nhìn xa trông rộng” nhằm khẳng định vị thế của phụ nữ, như: tăng cường sự hoạt động quốc tế, vận động phụ nữ tham chính.
Điều này cho thấy Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện cho phụ nữ và các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát huy tốt nhất vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo, thế mạnh và khả năng đóng góp của phụ nữ.
Trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ được ban hành và thực hiện có hiệu quả, trong đó có mục tiêu bình đẳng giới. Đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng cao.
Từ đó, các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, nỗ lực trong học tập, lao động đạt nhiều thành tích xuất sắc và có nhiều đóng góp trên tất cả các lĩnh vực của đất nước. Tỷ lệ phụ nữ giữ các cương vị lãnh đạo trong hệ thống chính trị của cả nước ngày càng cao.
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các cấp Hội cũng đã chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; đoàn kết, tập hợp, động viên các tầng lớp phụ nữ thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, các cấp Hội trong cả nước tổ chức nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động, mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thiết thực và hiệu quả, như phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII diễn ra trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn hội nhập mạnh mẽ về kinh tế lẫn văn hóa với khu vực và thế giới.
Vì thế, đại hội cần tập trung đánh giá đúng thực trạng phong trào phụ nữ và hoạt động của các cấp Hội trong thời gian qua, nhận định rõ những ưu, khuyết điểm, và nguyên nhân, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và dự báo tình hình, đề ra mục tiêu và hoạt động cụ thể trong 5 năm tới.
Trong đó, điều quan trọng là các cấp Hội chú trọng đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tổ chức Hội hơn nữa; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, vận động bản thân phụ nữ và gia đình rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống mẫu mực phù hợp văn hóa Việt Nam; đồng thời vận động và tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao năng lực, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đặc biệt là phụ nữ khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” cần sự đóng góp không nhỏ của “một nửa thế giới”.
Hà Lam