Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy trình ngược

10:02, 08/02/2017

Sự chuyển đổi bất ngờ từ chuối sứ, chuối bơm sang chuối già hương vì nghĩ sẽ cho lợi nhuận cao hơn đã làm hàng loạt nông dân Trảng Bom, Thống Nhất rơi vào cảnh khó khăn khi thương lái tuyên bố ngưng mua. Nhiều vườn chuối để trái chín rục trong vườn vì không bán được, khẳng định thêm một bài học đau xót về cách làm nông theo suy nghĩ một chiều, rất "truyền thống" nhưng bộc lộ quá nhiều bất cập.

Sự chuyển đổi bất ngờ từ chuối sứ, chuối bơm sang chuối già hương vì nghĩ sẽ cho lợi nhuận cao hơn đã làm hàng loạt nông dân Trảng Bom, Thống Nhất rơi vào cảnh khó khăn khi thương lái tuyên bố ngưng mua. Nhiều vườn chuối để trái chín rục trong vườn vì không bán được, khẳng định thêm một bài học đau xót về cách làm nông theo suy nghĩ một chiều, rất “truyền thống” nhưng bộc lộ quá nhiều bất cập.

Hiện tại, hàng trăm hộ nông dân trồng chuối ở 2 huyện nói trên khốn đốn vì bước vào vụ thu hoạch nhưng không tìm được đầu ra cho sản phẩm chuối già hương xuất khẩu. Theo nhiều nông dân, trước đây nhiều vùng ở Trảng Bom, Thống Nhất cũng chuyên canh cây chuối, nhưng chủ yếu là các loại chuối bơm, chuối sứ... Tuy giá cả những loại chuối này có lúc trồi lúc sụt, nhưng người trồng không lo đầu ra vì ngoài ăn tươi chuối còn là nguồn nguyên liệu chế biến tại chỗ hoặc lân cận. Lần này, nghe phong thanh thương lái hứa sẽ mua chuối với giá cao để xuất sang Trung Quốc, nhiều gia đình đã chặt bỏ giống cũ để đầu tư giống mới. Song, khi Trung Quốc ngưng “ăn” hàng, thương lái cũng đánh bài lờ.

Một câu chuyện với “kịch bản” quá quen thuộc đến mức nhàm chán gần đây, bởi đã xảy ra với vải thiều, xoài, thanh long, heo hơi… khi nhất nhất phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Nặng nề hơn, thực ra nông dân cũng chỉ nghe phong thanh rồi thay đổi cây trồng, chứ hiếm người nào thực sự nắm thông tin rằng Trung Quốc mùa này cần bao nhiêu xoài, bao nhiêu chuối, bao nhiêu heo… để có sự tính toán làm ăn cho đúng đắn.

Nhìn nhận lại, nông dân vẫn đang miệt mài sản xuất theo quy trình ngược. Nghĩa là đầu tư để có năng suất thật cao, sau đó chạy ngược chạy xuôi tìm chỗ bán, khi thì bán cho thương lái, khi thì tìm mối xuất khẩu lúc thì tìm đến những doanh nghiệp có cơ sở chế biến… một cách đầy bấp bênh và ngắn hạn. Hầu như họ chưa nắm được yêu cầu từ phía người tiêu dùng một cách khoa học và cụ thể để định hướng cho quá trình sản xuất của mình. Theo đó, cần phải biết sản phẩm làm ra phù hợp với thị hiếu thị trường nào, trong nước hay nội địa, Trung Quốc hay châu Âu trước khi bắt tay vào sản xuất. Và chưa kể trong một nền nông nghiệp mở toàn cầu, trong tương quan với thị trường thế giới, nông sản Việt Nam đang phải cạnh tranh với mặt hàng cùng loại của nước nào, điểm yếu và điểm mạnh ra sao… Thực sự, nếu nghĩ cho lợi ích của nông dân thì không chỉ dừng lại ở chỗ cải tổ sản xuất, đưa năng suất lên đỉnh cao này đến đỉnh cao khác, mà là cần hướng họ đến “sản xuất thông minh”. Nghĩa là, nghiên cứu nhu cầu thị trường trước khi bắt tay vào nuôi trồng để biết mớ rau, con cá mình đang làm ra phù hợp cho thị trường nào, nội địa hay xuất khẩu, và yêu cầu của thị trường đó ra sao để biết mà làm cho đúng.

Một hécta đất hiện nay có thể làm ra năng suất gấp nhiều lần so với cách đây nhiều năm khi nông nghiệp còn lạc hậu. Nhưng năng suất cao để làm gì khi hàng không bán được, khi tiền đầu tư không sinh lãi? Hay lại làm phát sinh một thứ bệnh thành tích trong sản xuất, tức là chỉ ca ngợi những mảnh vườn có năng suất thật cao mà không biết số nông sản làm ra ấy bán được không, nông dân có lãi hay không?

Thông tin và định hướng, đó là 2 yếu tố cần thiết cho sản xuất nông nghiệp hiện tại. Nghĩa là với từng mặt hàng, nông dân cần thông tin chính xác về nghiên cứu thị trường trong nước và xuất khẩu, yêu cầu của từng nơi, khả năng tiêu thụ của từng nơi… để biết mà đầu tư nhiều hay ít vào mảnh vườn của chính mình. Điều này một vài nông dân nhỏ lẻ, thậm chí một vài địa phương nhỏ lẻ khó làm được, mà yêu cầu một cơ sở dữ liệu lớn và kịp thời hơn từ phía Chính phủ hoặc Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, những cơ quan luôn khẳng định mình sát cánh với nông dân.        

KIM NGÂN

 

Tin xem nhiều