Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 6, 13/12/2024, 16:14 En

Người Việt thích "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay"?

10:02, 05/02/2017

Để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, giảm chi phí ngân sách và nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương, sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Tân Phú đang có chủ trương sáp nhập một số ấp, khu phố trên địa bàn huyện.

4.500 vụ đánh nhau nhập viện trong 7 ngày nghỉ tết. Đây chỉ là con số do Bộ Y tế tổng hợp được khi các vụ ẩu đả này đã vào đến bệnh viện.Chắc chắn con số thực tế phải lớn hơn rất nhiều bởi không phải tất cả các vụ ẩu đả đều dẫn đến… bệnh viện. Và, câu chuyện buồn này không phải mới xuất hiện ở Tết 2017, mà đã có từ nhiều năm nay.

Có phải người Việt ngày càng hung hãn? Cho dù lòng tự tôn dân tộc của mỗi người Việt cao đến đâu thì trước con số này chúng ta cũng phải âm thầm chột dạ. Thế hệ những người Việt trước đây - rất gần đây thôi - vẫn luôn được giáo dục để hành xử thật văn minh, văn hóa trong cư xử hàng ngày, đặc biệt là dịp tết. Đầu năm người ta tránh tất cả sự va chạm, kể cả những lời nói nặng nề làm cho người khác không vui. Đặc biệt, mọi người tránh tối đa chửi nhau trong ngày tết chứ đừng nói tới việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” trước khi “động miệng”. Có những gia đình giận nhau cả năm, nhưng đã tranh thủ đầu năm mới sang nhà “đối thủ” chúc tết, vậy là tất cả xung đột đã được hóa giải một cách thật yên lành.

Tất cả những điều tốt đẹp ấy hình như đang ngày càng trở thành của hiếm. Đã có lý do được đưa ra để biện minh cho những hành động thích ẩu đả này của một số người Việt hiện nay là do uống rượu, bia ngày tết. Đó có lẽ cũng là lý do không hoàn toàn sai, nhưng đâu phải ngày tết mới đánh nhau, ngày thường còn khủng khiếp hơn nhiều và xảy ra “như cơm bữa”. Hàng ngày, chúng ta vẫn nghe “đầy tai” những câu chuyện người ta sẵn sàng đối xử tàn độc với nhau, sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đến mức phải nhập viện mà lý do nhiều khi chỉ là những va chạm nhỏ hoặc “nhìn thấy ghét”. Cửa chùa vốn là chốn thâm nghiêm, vậy mà vẫn có nhiều người sẵn sàng giẫm đạp lên nhau, tranh cướp nhau. Vậy đâu là gốc rễ sinh ra tật xấu này?

Trước việc rất nhiều người Việt sẵn sàng xử nhau bằng nắm đấm, chúng ta buộc phải có suy nghĩ. Có phải cuộc sống ngày càng áp lực đã khiến một số người không thể bình tĩnh và trở nên hung hăng? Có phải luật pháp đang được thực thi một cách không nghiêm minh nên người ta sẵn sàng  “vượt lên” pháp luật? Có phải trước những điều “trái tai gai mắt” xuất hiện hàng ngày làm cho người ta cảm thấy nếu không sử dụng bạo lực, không tranh cướp sẽ không đạt được điều mong muốn? Vì đâu những hành vi phản cảm này ngày càng phát tác một cách dữ dội? Rất khó để tìm ra câu trả lời chính xác.

Để thay đổi gốc rễ của vấn đề là điều không dễ, nhưng không phải không làm được. Trước hết, trường học phải trở thành nơi giáo dục những giá trị về đạo đức, nhân bản. Luật pháp phải được thực thi một cách nghiêm minh, công bằng. Những nhà lãnh đạo quốc gia phải là những hình mẫu tiêu biểu mà người dân soi vào đó và đặt niềm tin. Báo chí và công luận phải luôn vang lên những lời chỉ trích, lên án gay gắt những hành vi bạo lực, tôn vinh những nét đẹp, những hành xử văn minh, văn hóa… Và, câu trả lời đúng nhất có lẽ phải bắt đầu từ mỗi người. Để có những mùa quả ngọt cần phải gieo nhân lành và luôn vun trồng, chăm sóc.

Những con số nhức nhối nêu trên làm cho những người Việt chân chính cảm thấy bất an về cuộc sống và xấu hổ với bạn bè quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hôm nay. Thế nhưng về cơ bản, đó không phải là dòng chủ đạo, xã hội chúng ta vẫn còn muôn vàn những điều tốt đẹp.

Vũ Trung Kiên

 

Tin xem nhiều