Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải quyết liệt với đường ngang dân sinh

10:02, 12/02/2017

Chưa lúc nào, vấn đề tai nạn giao thông đường sắt tại các đường ngang dân sinh lại "nóng" như lúc này. Chỉ tính riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu (từ ngày 26-1 đến 1-2) đã xảy ra 8 vụ tai nạn đường sắt làm chết 6 người, bị thương 11 người.

Chưa lúc nào, vấn đề tai nạn giao thông đường sắt tại các đường ngang dân sinh lại “nóng” như lúc này. Chỉ tính riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu (từ ngày 26-1 đến 1-2) đã xảy ra 8 vụ tai nạn đường sắt làm chết 6 người, bị thương 11 người. Và theo thống kê của Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR), gần 85% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại những vị trí đường ngang dân sinh.

Vấn đề tai nạn giao thông tại đường ngang dân sinh không mới, nhưng vẫn “nóng”, bởi cho đến nay các cơ quan chức năng cũng như địa phương chưa tìm được giải pháp giải quyết triệt để. Hệ thống đường sắt cả nước hiện có 1.514 đường ngang hợp pháp, nhưng có tới 4.302 lối đi dân sinh, đường ngang tự phát do dân mở để đi qua đường sắt. Số điểm giao cắt với đường sắt không có người gác lên đến 5.165 điểm.

Theo tính toán của VNR, để duy trì một đường ngang cần có 3-5 nhân viên thay ca nhau 24/24 giờ. Tiền lương, chi phí điện, nước... cho trạm gác chắn trung bình 600 triệu đồng/năm/trạm. Để tất cả các đường ngang đều có trạm gác, cần kinh phí khoảng gần 3,5 ngàn tỷ đồng/năm. Chính vì chi phí cao nên theo VNR, không thể đường ngang nào cũng có gác chắn.

Đã có nhiều giải pháp được các cơ quan chức năng đưa ra nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt tại các đường ngang chưa có rào chắn, như: cắm bổ sung biển báo, lắp đặt gờ giảm tốc tại đường ngang, lắp đèn tín hiệu và thiết bị cảnh báo trên tàu giúp người tham gia giao thông nghe, nhìn thấy từ xa, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra kiểm soát tại các “điểm đen” về tai nạn giao thông đường sắt…

Tuy nhiên, có thể thấy tất cả những giải pháp trên chỉ mới “cắt ngọn” của vấn đề, bởi nguyên nhân chủ yếu trong các vụ tai nạn giao thông đường sắt là do ý thức kém và sự chủ quan của con người cùng sự tồn tại bất hợp lý của các đường ngang dân sinh.

Nhìn lại vấn đề, có 2 việc mà các địa phương và cơ quan chức năng cần làm ngay là phải có giải pháp quyết liệt đối với các đường ngang dân sinh. Không thể nào chấp nhận lý luận “để đi thuận lợi” mà người dân “đánh cược” với mạng sống. Các địa phương cần rà soát lại tất cả các đường ngang dân sinh, kiên quyết xóa ngay các đường ngang không đảm bảo an toàn giao thông, xác định các vị trí đường ngang phù hợp từ đó quy hoạch các lối đi thuận tiện cho người dân, đồng thời chủ động phối hợp với ngành đường sắt làm cần chắn tự động, lập các trạm có nhân viên gác chắn, hoặc nắm lịch chạy tàu để cắt cử lực lượng dân quân, dân phòng canh gác… với nguồn kinh phí từ ngân sách và xã hội hóa.

Nhưng quan trọng hơn, đó là tất cả các ngành chức năng, địa phương, đoàn thể phải xây dựng cho được các kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, vận động, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành luật pháp khi tham gia giao thông.

Để làm được điều này, cần có một “nhạc trưởng” để tổng chỉ huy các ngành, các cấp đề ra những phương án tuyên truyền phù hợp với đặc thù; xác định đây là việc làm lâu dài theo kiểu “mưa dầm thấm đất” để xây dựng các kế hoạch trung và dài hạn; trong đó, đặc biệt chú trọng tuyên truyền vận động ở các địa phương, khu vực trọng điểm…

Đã đến lúc, cần phải quyết liệt hơn bao giờ hết với vấn đề tai nạn đường sắt tại các đường ngang dân sinh!

HÀ LAM

Tin xem nhiều