Mùa khô 2016-2017, trên địa bàn tỉnh vẫn xuất hiện những cơn mưa trái mùa lớn tại một số địa phương, nước về các hồ chứa nhiều hơn nên tình trạng khô hạn cũng giảm bớt.
Mùa khô 2016-2017, trên địa bàn tỉnh vẫn xuất hiện những cơn mưa trái mùa lớn tại một số địa phương, nước về các hồ chứa nhiều hơn nên tình trạng khô hạn cũng giảm bớt.
Tuy nhiên, theo Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, hạn hán năm nay sẽ không gay gắt như năm trước nhưng vào cao điểm của mùa khô là cuối tháng 3 và trong tháng 4 có khả năng vẫn xảy ra hạn nặng ở những khu vực vùng cao.
Trong đó, nửa đầu mùa khô năm nay xuất hiện những cơn mưa trái mùa lớn, nhưng phần lớn lại chỉ tập trung ở phía Nam tỉnh, gồm: TP.Biên Hòa, 2 huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch nên những vùng khác chỉ xuất hiện mưa vừa, rải rác đủ bớt hạn chứ không hết được hạn.
Do đó, các địa phương: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Long Khánh, Cẩm Mỹ và Thống Nhất từ thời điểm này nên triển khai các biện pháp gieo trồng đồng loạt với cây ngắn ngày và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt với cây lâu năm để tiết kiệm nguồn nước tưới.
Nếu nông dân các địa phương cùng đồng lòng áp dụng các quy trình gieo trồng, chăm sóc và tưới tiết kiệm như khuyến cáo của ngành thủy lợi, nông nghiệp thì mùa khô này tình trạng hạn hán sẽ không đáng ngại.
Từ đầu mùa khô đến nay thường xuất hiện những cơn mưa trái mùa nên trên địa bàn tỉnh chưa có khu vực nào xảy ra tình trạng khô hạn nặng. Nông dân nhiều nơi trong tỉnh hiện đang xoay vần với việc cứu những cây trồng như: điều, xoài, chôm chôm, măng cụt...có nguy cơ giảm năng suất vì mưa nên lơ là với việc đã vào cao điểm mùa khô cần phải phòng chống hạn.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, trong tháng 3 và tháng 4 mưa trái mùa sẽ giảm và nhiệt độ năm nay sẽ nóng hơn năm trước từ 0,5-1OC. Thời tiết nóng hơn đồng nghĩa với việc cây trồng sẽ sử dụng nguồn nước tưới nhiều hơn.
Theo tính toán của các nhà khoa học trên lĩnh vực nông nghiệp, thời tiết tăng thêm 0,5-1OC thì nhu cầu sử dụng nước của cây trồng sẽ tăng từ 8-10%. Như vậy, nông dân chủ động áp dụng các giải pháp phòng và chống hạn sớm thì hạn có thể giảm, đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho cây trồng.
Còn khoảng hơn 2 tháng nữa mới kết thúc mùa khô, nhiều vùng trong tỉnh vừa mới xuống giống vụ đông-xuân muộn, nhu cầu cần nước tưới cho lúa và một số cây trồng khác trong tháng 3 và tháng 4 rất cao nên mưa trái mùa ít xuất hiện, nguy cơ hạn sẽ khá cao.
Các kỹ sư ngành nông nghiệp khẳng định, áp dụng gieo trồng lúa đồng loạt để giảm số lần tưới và tưới vừa đủ có thể tiết kiệm từ 20-30% lượng nước tưới. Với cây trồng lâu năm, tưới bằng hệ thống phun, nhỏ giọt tiết kiệm 40-50% lượng nước so với tưới tràn.
Thực tế những năm qua, giải pháp tưới tiết kiệm đã giúp nhiều vùng cao thiếu nước của Đồng Nai bớt được tình trạng khô hạn vào cao điểm mùa khô và cây trồng lại cho năng suất cao hơn 10-20%. Tiết kiệm nguồn nước tưới bên cạnh việc giảm tình trạng khô hạn còn giúp bảo vệ được nguồn tài nguyên nước ngọt cho tương lai.
Hương Giang