Báo Đồng Nai điện tử
En

"Giải cứu nông sản": chuyện nhiều tập?

10:02, 22/02/2017

Sau vô số những "phi vụ giải cứu" hành tím ở Sóc Trăng, khoai tây ở Lâm Đồng, dưa hấu ở Quảng Ngãi, thanh long ở Bình Thuận, vải thiều ở Hưng Yên… nay lại đến lượt chuối già hương ở Đồng Nai đang được Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh và các cư dân cộng đồng mạng kêu gọi nhau chung tay "giải cứu".

Sau vô số những “phi vụ giải cứu” hành tím ở Sóc Trăng, khoai tây ở Lâm Đồng, dưa hấu ở Quảng Ngãi, thanh long ở Bình Thuận, vải thiều ở Hưng Yên… nay lại đến lượt chuối già hương ở Đồng Nai đang được Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh và các cư dân cộng đồng mạng kêu gọi nhau chung tay “giải cứu”. Nhìn về mặt xã hội, việc giúp nông dân tiêu thụ nông sản để giảm bớt thua lỗ, thoát tình trạng bị thương lái ép giá là cử chỉ đẹp, hành động rất nhân văn của người dân. Nhưng đằng sau chuyện “giải cứu nông sản” đã bộc lộ quá nhiều bất ổn.

Từ đầu năm đến nay, nhiều loại nông sản trong tỉnh rơi vào tình trạng giảm giá, thậm chí giảm sâu, như: củ mì, mía, tiêu, thuốc lá… Ngay cả giá heo, gà cũng giảm mạnh. Giá giảm, nhưng quan trọng hơn là nông sản “bí” đầu ra, khiến nông dân khắp nơi điêu đứng. Nguyên nhân nông sản giảm giá không mới, đã được phân tích, chỉ rõ những bất cập về quy hoạch, sản xuất và tiêu thụ nông sản của địa phương cũng như cơ quan quản lý: nông dân sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, chạy theo phong trào, thấy cây nào có lợi nhuận cao thì thi nhau trồng, dẫn đến cung vượt cầu; công tác quản lý quy hoạch và định hướng sản xuất cho người nông dân còn yếu, chưa có dự báo chính xác về nhu cầu thị trường cũng như chưa quản lý, quy hoạch được sản xuất của nông dân; công tác xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu kém, còn lệ thuộc vào một thị trường lớn; mạng lưới phân phối trong nước có vấn đề.

Giá nông sản giảm, cho thấy hàng nông sản đang “thua” ngay trên sân nhà. Nếu không giải quyết được các vấn đề bất cập đã được nêu trên, câu chuyện “giải cứu nông sản” sẽ còn tái diễn đến một lúc nào đó người dân dù hảo tâm đến đâu cũng sẽ ngao ngán, mệt mỏi. Và rõ ràng một nền kinh tế không thể vận hành, phát triển chỉ bằng lòng tốt, mà cần phải có những chiến lược, định hướng cụ thể trước mắt lẫn lâu dài về vi mô lẫn vĩ mô.

Trước mắt, nông dân cần thay đổi tập quán sản xuất, bỏ thói quen trồng theo phong trào. Và cũng đã đến lúc nông dân phải tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác, qua đó chuyên môn hóa các khâu trong chuỗi giá trị nông dân sản xuất; sản xuất theo kỹ thuật cao và tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để tăng cơ hội xuất hàng vào nhiều thị trường, kể cả thị trường khó tính để tránh lệ thuộc, không chạy theo các hợp đồng ngắn hạn, thời vụ. Các địa phương cần phối hợp với ngành chức năng để cung cấp thông tin về thị trường.

Về lâu dài, nông sản cần sự hỗ trợ dài hơi của Nhà nước cũng như các ngành chức năng, như: xúc tiến mở thêm thị trường xuất khẩu; quản lý chặt chẽ hệ thống tiêu thụ, phân phối trong nước để nông dân không bị thiệt thòi, bị ép giá. Nhà nước cũng cần có các chính sách cụ thể thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản (đồ hộp, nước trái cây và trái cây sấy khô) để tăng giá trị cộng thêm cho nông sản.

Nông dân Việt Nam có truyền thống cần cù lao động, thông minh và sáng tạo trong sản xuất, nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật - công nghệ mới. Nhưng đã đến lúc không thể để tiếp diễn tình trạng nông dân “tự bơi” mà thiếu các “phao cứu sinh”, khi chới với giữa dòng thì mới “giải cứu”. Nông dân cần những sự hỗ trợ để giải “bài toán kinh tế” cụ thể, chứ không phải chỉ là những “quyết tâm chính trị”, vận động phong trào hay hô hào “giải cứu”.

Hà Lam

Tin xem nhiều