Những năm qua, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng GDP lớn nhưng cũng gây nhiều tác động lớn đến môi trường và xã hội. Về lý thuyết, khai thác khoáng sản làm tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và cải thiện cơ sở hạ tầng, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Những năm qua, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng GDP lớn nhưng cũng gây nhiều tác động lớn đến môi trường và xã hội. Về lý thuyết, khai thác khoáng sản làm tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và cải thiện cơ sở hạ tầng, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhưng trong thực tế, hoạt động khai thác khoáng sản ở nước ta hiện nay bên cạnh những tác động tích cực vẫn tồn tại rất nhiều tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Việc khai thác khoáng sản, trong đó có khai thác đất, đá chắc chắn sẽ làm biến dạng địa mạo và cảnh quan khu vực; gây ô nhiễm không khí, nước ngầm và làm thay đổi môi trường văn hóa, xã hội của địa phương trong khu vực khai thác theo hướng tiêu cực. Đó là chưa kể một số doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, sau quá trình khai thác mỏ không phục hồi môi trường, để lại các dạng địa hình có tiềm năng gây sạt lở cao gây nguy hiểm cho con người, động vật trong khu vực sau khai thác.
Luật Khoáng sản từ năm 2010 đến nay sau những lần sửa đổi, bổ sung, đều quy định trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án khai thác khoáng sản, trong đó dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp để hạn chế đến mức thấp nhất vấn đề ô nhiễm môi trường. Luật cũng quy định chủ đầu tư phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra. Nghị định 158/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15-1-2017 cũng bổ sung tiêu chí các tổ chức, cá nhân phải sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại khai thác khoáng sản; chấp hành tốt trách nhiệm bảo vệ môi trường, nghĩa vụ tài chính về khoáng sản nhằm loại bỏ các doanh nghiệp không có đủ năng lực về công nghệ, thiết bị cũng như không có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm khoáng sản.
Thế nhưng trong thực tế, tại các địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản (đất, đá) rầm rộ, như: Vĩnh Cửu, Biên Hòa, Trảng Bom, Thống Nhất, nhiều năm nay người dân phải “sống chung với ô nhiễm”, trong đó ô nhiễm nặng nề nhất là bụi. Nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận vẫn sử dụng công nghệ khai thác lạc hậu khiến bụi phát sinh mù mịt trong quá trình khai thác, vận chuyển, dẫn đến người dân sống trong khu vực lẫn người lưu thông trên đường “lãnh đủ”. Rồi tình trạng xe vận chuyển đất, đá khai thác chạy như “hung thần” trong các khu dân cư khiến đường sá xuống cấp, gây ra tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt khiến người dân bất bình. Những năm qua, trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân trong các khu vực khai thác khoáng sản đều bày tỏ sự bất bình trước những tác động tiêu cực của khai thác khoáng sản. Trước sự phản ứng của người dân, một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản có vài động thái “xoa dịu”, như: sửa chữa đường sá, xây dựng đường vận chuyển riêng, tưới nước hạn chế ô nhiễm… Nhưng điều đó vẫn chưa đủ, bởi người dân cần và có quyền đòi hỏi một môi trường sống an toàn và an lành.
Trong lần kiểm tra mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh khẳng định cuối năm 2017 sẽ rút giấy phép những chủ đầu tư khai thác khoáng sản không đảm bảo vệ sinh an toàn, gây ô nhiễm môi trường. Với quyết tâm bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, mong rằng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ “khép” được các chủ đầu tư khai thác khoáng sản vào luật, không có bất kỳ một sự “du di” nào. Và cũng mong rằng Đồng Nai sẽ ngày càng hạn chế việc khai thác khoáng sản, bởi hoạt động khai thác khoáng sản về lâu dài chính là đang “ăn” vào tương lai. Càng đẩy mạnh khai thác khoáng sản, tổn thất trong tương lai càng lớn.
HÀ LAM