Cuối ngày ông Táo về trời (23 tháng Chạp), bà Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố cũng như các khu công nghiệp, khu đông công nhân lao động… đều đã cơ bản hoàn thành việc trao quà tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn đột xuất; tặng quà, vé xe cho công nhân lao động xa quê về sum họp gia đình.
Cuối ngày ông Táo về trời (23 tháng Chạp), bà Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố cũng như các khu công nghiệp, khu đông công nhân lao động… đều đã cơ bản hoàn thành việc trao quà tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn đột xuất; tặng quà, vé xe cho công nhân lao động xa quê về sum họp gia đình.
Thêm một cái tết tràn đầy tình yêu thương, ấm áp tấm lòng sẻ chia giữa những người gọi nhau là đồng bào. Không có ai là không có tết, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo tỉnh.
Nhìn lại, những phần quà chia sẻ trong dịp này giá trị về mặt vật chất không phải là lớn, chỉ từ 300-500 ngàn đồng/phần. Có người được nhận tiền mặt, có người chỉ nhận quà là nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm các loại, cũng có hộ được nhận 2-3 phần quà. Chắc chắn rằng những phần quà này chỉ như “hạt mì chính trong nồi canh”, người nghèo không thể thoát nghèo từ sự hỗ trợ này. Nhưng giá trị tinh thần mà những phần quà xuân mang đến cho người nghèo thì không hề nhỏ.
Dân tộc Việt Nam nói riêng và một số dân tộc thuộc nền văn minh lúa nước nói chung từ xa xưa đã có quan niệm “Đói quanh năm, không nghèo 3 ngày tết”. Người ta có thể túng thiếu, quanh năm nhịn đói, nhịn thèm, nhưng 3 ngày tết cũng phải chạy vạy bằng được để ít nhất nếu không được ăn ngon thì cũng phải ăn no, hoặc có gì đó khác ngày thường. Ngày tết được ăn ngon, ăn no, mặc đẹp, vui vẻ, nhàn hạ thì hy vọng cả năm cũng sẽ được như vậy. Bởi thế, tết đến người ta không chỉ ăn cho no bụng mà còn là để lấy may mắn cho cả năm. Tết không chỉ ý nghĩa với người sống mà còn với cả ông bà, tổ tiên, quanh năm có thể rau cháo qua ngày nhưng ngày tết ít nhất phải có thịt thà, bánh trái dâng cúng trên bàn thờ. Vì thế, dù nghèo đến đâu người Việt cũng cố gắng tươm tất trong 3 ngày tết. Và ý nghĩa sự hỗ trợ quà cho người nghèo dịp tết chính là giải quyết phần tâm linh này.
Còn đối với người nghèo, những phần quà nhận được khi xuân về mang đầy ý nghĩa ấm áp. Giữa không khí tết nhà nhà tấp nập sắm sửa, rộn ràng vui xuân, với những hộ nghèo quanh năm đầu tắt mặt tối mong đủ no đã là may mắn sẽ càng mang nặng tâm lý mặc cảm, tủi thân. Vì thế, sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng trong thời điểm đặc biệt này càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, để người nghèo cảm nhận rằng mình không bị “bỏ rơi” bên lề xã hội, đó cũng là sự động viên để người nghèo vốn yếu thế sẽ thêm tự tin nỗ lực vươn lên hơn nữa.
Yêu thương, đùm bọc, chia sẻ với người nghèo là truyền thống nhân ái ngàn đời nay của người Việt. Nhưng truyền thống ấy được văn bản hóa, trở thành đường lối nhất quán và triển khai trong toàn hệ thống chính trị thì chỉ có Đảng và Nhà nước ta thực hiện. Bởi vì bản chất của chế độ ta là “do dân, vì dân”. Những ngày này, toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở đã nỗ lực hết mình để không có người nghèo nào không có tết.
HÀ LAM