Báo Đồng Nai điện tử
En

Kết nối tinh thần, sức mạnh Việt

10:01, 18/01/2017

Đã thành thông lệ, mỗi khi trời đất chuyển mùa vào Xuân, chương trình "Xuân quê hương" lại được tổ chức để đón mừng những người con của đất Việt từ các phương trời xa xôi tụ hội về quê cha, đất tổ.

Đã thành thông lệ, mỗi khi trời đất chuyển mùa vào Xuân, chương trình “Xuân quê hương” lại được tổ chức để đón mừng những người con của đất Việt từ các phương trời xa xôi tụ hội về quê cha, đất tổ.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hình thành và phát triển cùng lịch sử của đất nước. Đến nay, số lượng Việt kiều khoảng 4,5 triệu người và riêng Đồng Nai có 32 ngàn kiều bào đang sinh sống và làm ăn ở khắp nơi trên thế giới. Dù ra đi trong giai đoạn, hoàn cảnh nào, trong huyết quản kiều bào vẫn chảy chung dòng máu của con Lạc, cháu Hồng. Cũng vì lẽ ấy, trong suốt quá trình lịch sử, đa số đồng bào đã có những đóng góp quan trọng đối với đất nước, đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và bảo vệ, phát triển đất nước. Trong công cuộc đổi mới, phát triển, nhiều người đã về nước thăm gia đình, quê hương, tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học, công nghệ, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, nhân đạo, từ thiện... đóng góp bằng cách này hay cách khác vì sự phát triển của đất nước. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, từ năm 1991 đến nay, lượng kiều hối về Việt Nam tăng bình quân hằng năm đạt mức trên 38%; tổng lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 đến năm 2015 đạt khoảng 108,6 tỷ USD; riêng năm 2015, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới là 12,25 tỷ USD (tăng khoảng 0,25 tỷ USD so với năm 2014), đứng thứ 11 trên thế giới, năm 2016 là khoảng 9,5 tỷ USD. Không những thế, cộng đồng đông đảo này còn là cầu nối giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Đặc biệt, với một đội ngũ trí thức hùng hậu, những năm qua, rất nhiều trí thức Việt kiều bằng cách này hay cách khác đã và đang đóng góp quan trọng cho nền khoa học nước nhà với những tên tuổi nổi tiếng như: Ngô Bảo Châu, Trần Thanh Vân, Võ Văn Tới, Trịnh Xuân Thuận… Nỗi nhớ tổ tiên và cội nguồn da diết chính là sợi dây liên kết để đồng bào, dù xa Tổ quốc vẫn luôn giữ gìn, nuôi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước.

Đảng và Nhà nước luôn xem công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết, hòa hợp và hòa giải dân tộc. Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Đã có nhiều chính sách được ban hành và thực thi nhằm đảm bảo sự nhất quán trong tư tưởng chỉ đạo và định hướng công tác cũng như tạo điều kiện thuận lợi để người Việt ở nước ngoài gắn bó với quê hương, đất nước.

Để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng cần có sự chung sức đồng lòng của cả dân tộc, trong đó không thể thiếu vai trò quan trọng của cộng đồng kiều bào. Đôi với Tổ quốc và nhân dân, kiều bào cho dù có thể có quan điểm, chính kiến, ý thức hệ khác nhau nhưng có mong muốn làm cho đất nước giàu mạnh, phát triển đều có chỗ đứng trang trọng trong lòng dân tộc. Và đó cũng là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Phát biểu tại Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII năm 2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc” vì mục tiêu chung là xây dựng và phát triển đất nước.

Chương trình gặp mặt đồng bào hàng năm là hoạt động đầy ý nghĩa góp phần khơi dậy tình yêu sâu nặng của con cháu Lạc Hồng ở xa Tổ quốc hướng về đất nước, tổ tiên, nguồn cội, kết nối và nhân lên tinh thần và sức mạnh Việt.

 Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều