Báo Đồng Nai điện tử
En

Đón tết văn hóa, an toàn, tiết kiệm

10:01, 23/01/2017

Tết đang đến rất gần. Các cơ quan, công sở, doanh nghiệp hầu như đã hoàn thành công tác tổng kết năm, tâm trạng của nhiều cán bộ, công chức, người lao động đã bắt đầu… xả hơi đón nghỉ tết Ngoài đường phố, xe cộ nhộn nhịp hơn bao giờ hết, dòng người hối hả tấp nập mua bán, sắm sửa cho ba ngày tết.

Tết đang đến rất gần. Các cơ quan, công sở, doanh nghiệp hầu như đã hoàn thành công tác tổng kết năm, tâm trạng của nhiều cán bộ, công chức, người lao động đã bắt đầu… xả hơi đón nghỉ tết Ngoài đường phố, xe cộ nhộn nhịp hơn bao giờ hết, dòng người hối hả tấp nập mua bán, sắm sửa cho ba ngày tết.

Mấy năm gần đây, lịch nghỉ tết thường kéo dài không chỉ tạo cơ hội cho người dân có thời gian nghỉ ngơi, sum họp gia đình hoặc du lịch xa gần, mà còn tạo điều kiện kích cầu trong kinh tế. Đời sống người dân ngày càng khá giả, vì vậy nhiều gia đình đón tết cũng “hoành tráng” hơn. Tuy nhiên, kích cầu không có nghĩa là mua sắm tràn lan, vô tội vạ. Lập kế hoạch chi tiêu cụ thể, chỉ mua sắm những gì thật cần thiết, thiết thực, nhất là các loại thực phẩm để đảm bảo một cái tết đầy đủ mà vẫn tiết kiệm, đó mới là “người nội trợ thông minh” thời hiện đại.

Đất nước bước vào hội nhập, thế giới ngày càng “phẳng” hơn, ngày tết vì thế cũng dần mất đi ý nghĩa ban đầu, nhất là ở khu vực thành thị. “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”, 3 ngày tết ngoài ý nghĩa đoàn viên trong gia đình còn là dịp để mọi người thăm hỏi lẫn nhau, tăng cường giao lưu, kết nối cộng đồng, tri ân các bậc tiền bối, kết chặt tình thân; không cãi vã, bất hòa với nhau trong những ngày đầu năm để “lấy may” cho cả năm... Ý nghĩa văn hóa của ngày tết Việt Nam thật đẹp, nhân văn, cần được giữ gìn, tiếp nối chớ không nên xao lãng, phai nhạt.

Gần đây, người Việt thường có thói quen “ép” nhau uống bia, rượu trong các dịp tiệc tùng, lễ tết. Hầu như dịp tết năm nào, bác sĩ trực tại các bệnh viện cũng đều tất bật với những ca chấn thương do tai nạn giao thông, ngộ độc, đâm chém nhau… mà nguyên nhân phần lớn xuất phát từ sử dụng rượu, bia quá mức. Nghị định 46/2016 mới ra đời có những điều khoản xử phạt nặng với người tham gia giao thông có hành vi sử dụng chất cồn vượt quá mức quy định. Đừng để những ngày đầu xuân phải kém vui, mất an toàn vì chỉ muốn làm “anh hùng bàn nhậu”.

Trước đây, khi nước ta còn chủ yếu là kinh tế nông nghiệp, ngày xuân cũng là lúc nông nhàn thì “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Nhưng nay đất nước đã hội nhập, đang tiến đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tư duy “tết mà” cần phải loại bỏ trong đời sống xã hội để hết 3 ngày tết mọi người trở lại cơ quan, công sở, công ty, nhà máy, hăng hái bắt tay ngay vào công việc, lao động sản xuất với một khí thế mới mẻ.

Trong tiến trình phát triển của xã hội, con người luôn có xu hướng tiếp thu những cái mới, hay, lạ, đẹp, loại bỏ những hủ tục cản trở sự phát triển. Tết Nguyên đán cho đến nay vẫn là một sinh hoạt văn hóa với nhiều phong tục tốt đẹp và đậm tính nhân văn, vừa lưu giữ những giá trị truyền thống vừa thích nghi với nhịp sống hiện đại. Chúng ta cần giữ gìn và phát huy để Tết Nguyên đán mãi là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, đồng thời đảm bảo được một cái tết an toàn, vui tươi, tiết kiệm, thật đầy ý nghĩa.

Hà Lam

 

 

Tin xem nhiều