Người tốt việc tốt, đó là những người có những việc làm bình thường nhưng ích nước lợi dân, đó là những người thật việc thật ai cũng có thể học và làm theo được.
Như thế nào là người tốt việc tốt?
Người tốt việc tốt, đó là những người có những việc làm bình thường nhưng ích nước lợi dân, đó là những người thật việc thật ai cũng có thể học và làm theo được. Cụ thể như: em nhỏ nhặt được của rơi trả cho ngưòi mất, hay cụ già hiến đất làm đường cho dân đi lại, anh công nhân có sáng kiến cải tiến kỹ thuật tăng năng suất lao động, chị tiểu thương mỗi ngày nuôi heo đất tiết kiệm tiền giúp người neo đơn bất hạnh, bác nông dân giúp con giống cho người nghèo có điều kiện làm kinh tế vươn lên thoát nghèo…
Khái niệm về người tốt - việc tốt không xa lạ với dân tộc Việt Nam. Ngàn đời nay, dân tộc ta luôn trao truyền trong cộng đồng các giá trị về lòng nhân ái giữa người và người “thương người như thể thương thân”, tình đoàn kết tương trợ nhau khi hoạn nạn “người trong một nước phải thương nhau cùng”… Những giá trị tinh thần đó là yếu tố giúp một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam vượt qua những khó khăn thiên tai, địch họa, dựng nước và giữ nước cho đến ngày nay.
Nhưng một người thường cho tiền những người ăn xin, hoặc thường xuyên giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn bất hạnh, việc làm này chưa chắc đã là người tốt - việc tốt. Bởi, có thể việc giúp đỡ ấy dẫn người được giúp đỡ đến chỗ ỷ lại, lười lao động. Thậm chí, có một số trường hợp, sự giúp đỡ ấy chỉ nhằm “vỗ về” lương tâm của người cho rằng “tôi đã làm được một việc gì đó, tôi đã không thờ ơ”. Trong xã hội hiện nay thường xuất hiện tranh cãi về việc cho hay không cho tiền người ăn xin bởi những mặt phải và mặt trái của lòng nhân ái. Vì vậy, khái niệm về người tốt - việc tốt cũng cần được bổ sung theo quy luật phát triển của con người, xã hội.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, những giá trị về người tốt - việc tốt ngàn đời của dân tộc đã tiếp tục được giữ vững, phát huy và bổ sung. Người tốt không những là người có lòng nhân hậu biết thương yêu giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn bất hạnh, không chỉ có đức hy sinh cao cả, “mình vì mọi người” mà còn phải luôn biết giữ gìn đạo đức bản thân, biết cần kiệm, liêm, chính, phải chí công vô tư, góp phần loại bỏ dần những thói hư, tật xấu của chính mình và những người xung quanh, như: cá nhân chủ nghĩa, tính ỷ lại, lười biếng, tham ô, tham nhũng… Như vậy, người tốt - việc tốt góp phần cải tạo con người, loại trừ thói hư tật xấu, hướng con người tới những giá trị chân - thiện - mỹ, xây dựng xã hội đẹp hơn, đáng sống hơn.
Bác Hồ từng nói: một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Vì vậy để phong trào người tốt - việc tốt được nhân rộng, lan tỏa, động viên nhiều người học tập, làm theo thì những tấm gương người tốt - việc tốt cần được phát hiện, giới thiệu đến mọi người, đồng thời khen thưởng, khích lệ kịp thời. Đặc biệt, những tấm gương người tốt - việc tốt càng có sức mạnh, giá trị hơn nếu xuất phát từ những lãnh đạo, cán bộ cấp cao, những “người của công chúng”, không chỉ có tính lan tỏa sâu rộng mà còn góp phần củng cố niềm tin vào chế độ, chính quyền, vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Xã hội, đất nước, cộng đồng sẽ mỗi ngày một hoàn mỹ hơn nếu mỗi ngày đều có những người “chọn một niềm vui” bằng cách làm việc tốt, như lời dạy của Bác: “Chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng việc làm muôn hình muôn vẻ của hàng chục triệu con người như thế, chứ không phải chỉ bằng một vài việc làm nổi bật và vang dội của một số cá nhân anh hùng”.
Hà Lam