Thông tin Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo Chính phủ về đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp xuống 0,5% (thay vì 1% như hiện nay) là thông tin thật sự vui mừng đối với doanh nghiệp và người lao động.
Thông tin Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo Chính phủ về đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp xuống 0,5% (thay vì 1% như hiện nay) là thông tin thật sự vui mừng đối với doanh nghiệp và người lao động. Nếu đề xuất này được chấp thuận và thông qua, chắc chắn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.
Căn cứ để Bộ Lao động - thương binh và xã hội đề xuất như thế là với tỷ lệ đóng 1% vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì số chi trong năm chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với số thu. Riêng năm 2015, mức chi từ quỹ này chỉ khoảng 8%. Đến hết năm 2015, số kết dư Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khoảng 26 ngàn tỷ đồng, bằng gần 60 lần số chi quỹ. Đối với Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho rằng hiện nay quỹ này cũng có nguồn kết dư lớn, hiện tổng số kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp là gần 49 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 7.400 tỷ đồng, tương ứng tăng 17,9% so với năm 2014.
Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, người sử dụng lao động phải chi 18% tổng quỹ tiền lương để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Trong số 18% này có 14% cho quỹ hưu trí và tử tuất, 3% vào quỹ ốm đau và thai sản, 1% vào quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Cùng với 18% nêu trên, người sử dụng lao động còn phải trích 2% đóng quỹ Công đoàn và một số quỹ khác như 1% quỹ bảo hiểm thất nghiệp… nên số tiền thực tế người sử dụng lao động phải đóng hàng tháng lên tới 22%. Bên cạnh đó, người lao động cũng phải đóng 10,5% lương. Như vậy, tính chung người sử dụng lao động và người lao động đóng các loại quỹ bảo hiểm xã hội lên tới trên 30%.
Người lao động hiện nay đời sống vốn rất khó khăn nhưng phải đóng rất nhiều như vậy khiến cuộc sống ngày một bí bách hơn. Người lao động khổ một thì người sử dụng lao động cũng chẳng thể nói sung sướng gì, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn như hiện nay. Có lẽ vì số tiền phải đóng các quỹ bảo hiểm xã hội quá cao nên trong thực tế đã có doanh nghiệp lách luật bằng “né” đóng quỹ bảo hiểm xã hội bằng cách “biến” lương thành phụ cấp, trợ cấp. Điều này gây thất thoát cho quỹ bảo hiểm xã hội.
Trong những năm qua, tình trạng lạm phát, giá cả không ngừng tăng cao. Vì vậy, để đáp ứng phần nào mức sống tối thiểu cho người lao động, Nhà nước và đại diện của cộng đồng doanh nghiệp hàng năm đều họp để thống nhất nâng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động. Thực tế là trong những năm qua, lương tối thiểu vùng của người lao động theo định kỳ đều tăng. Tuy nhiên, những khảo sát, điều tra gần đây cho thấy mức lương này vẫn chỉ mới đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tối thiểu của người lao động. Dù vậy mỗi lần họp nâng lương lại là một lần “mổ bò” bởi người sử dụng lao động cũng không dư giả, khấm khá gì, nhất là lại phải đóng quá nhiều quỹ bảo hiểm xã hội khác nhau.
Đối với người sử dụng lao động, nếu mức đóng quá cao đến một lúc nào đó không thể kham nổi, các doanh nghiệp chỉ còn cách thu hẹp sản xuất, giảm lương, sa thải người lao động… Hậu quả cuối cùng là người lao động sẽ là đối tượng phải lãnh hậu quả đầu tiên và gánh nặng tạo áp lực cho xã hội. Đối với người lao động, đi làm ngoài việc phải đóng quỹ bảo hiểm xã hội cao lại luôn nơm nớp và lo sợ bị sa thải do cắt giảm biên chế thì liệu có còn an tâm công tác?
Lâu nay, xã hội vẫn nghe than phiền không ngớt về nguy cơ thâm thủng Quỹ Bảo hiểm xã hội, thì nay thông tin Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có số thu cao nhưng phần chi rất nhỏ thật sự là báo cáo đáng mừng.
Đáng mừng hơn là đề xuất giảm đóng từ 1% xuống 0,5% đối với các loại quỹ này thật sự là “một mũi tên trúng hai đích” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
Như Ái