Báo Đồng Nai điện tử
En

Giá trị nghề giáo mãi tỏa sáng

10:11, 09/11/2016

Năm 2004, Hội Cựu giáo chức Việt Nam được thành lập. Chỉ 2 năm sau, Hội Cựu giáo chức Đồng Nai  ra đời, là một trong những Hội có mặt sớm của cả nước nhằm kết nối các thế hệ cán bộ, nhân viên, giáo viên ngành GD-ĐT đã nghỉ hưu, không chỉ quan tâm chăm sóc lẫn nhau mà còn cùng nhau nỗ lực tiếp tục đóng góp cho đời.

Năm 2004, Hội Cựu giáo chức Việt Nam được thành lập. Chỉ 2 năm sau, Hội Cựu giáo chức Đồng Nai  ra đời, là một trong những Hội có mặt sớm của cả nước nhằm kết nối các thế hệ cán bộ, nhân viên, giáo viên ngành GD-ĐT đã nghỉ hưu, không chỉ quan tâm chăm sóc lẫn nhau mà còn cùng nhau nỗ lực tiếp tục đóng góp cho đời.

Thực tế, rất nhiều giáo viên vẫn còn đứng trên bục giảng mà phải đánh vật với bài toán cơm áo gạo tiền, huống chi là giáo viên về hưu với đồng lương nhẹ tênh. Đời sống khó khăn, nhưng với lòng tự trọng những cựu giáo chức không than vãn, kêu ca mà vẫn âm thầm chịu đựng như trước kia đã từng chịu đựng để bám trường, bám lớp. Cảnh sống thanh bần ấy chỉ có những người “cùng hội, cùng thuyền” mới có thể thấu hiểu, sẻ chia. Chính vì vậy, một trong những hoạt động chủ yếu của các hội, chi hội cựu giáo chức trong thời gian qua là thăm hỏi, chăm sóc những hội viên neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn. Một cô giáo về hưu ở thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) chẳng may lâm vào hoàn cảnh khó khăn, người con đầu đột nhiên phát bệnh tâm thần, chồng và người con kế bị tai nạn giao thông phải nằm một chỗ, suốt nhiều năm liền nguồn động viên về vật chất và tinh thần của cô chính là từ những đồng nghiệp thủy chung tình nghĩa trong hội. Ấm áp làm sao trước hình ảnh những cựu giáo viên chắt chiu đồng lương hưu ít ỏi để bỏ ống heo, dành dụm giúp đồng nghiệp khi khó khăn, đau ốm, hoạn nạn; gom góp “của ít lòng nhiều” giúp đồng nghiệp có được mái nhà che mưa nắng.

Khi đứng trên bục giảng, các thầy cô giáo đem hết nhiệt tình truyền đạt tri thức cho các thế hệ học sinh, đến lúc nghỉ hưu tấm lòng của những người cựu giáo chức vẫn hướng đến thế hệ trẻ qua các hoạt động khuyến học, khuyến tài. Nhiều cựu giáo chức tham gia các lớp học tình thương, tiếp tục đem con chữ đến cho các em nhỏ có hoàn cảnh thiếu may mắn; số khác lại đóng góp bằng cách trao học bổng, tập sách, xe đạp… để con đường đến trường của các em bớt gian nan vất vả.

Nhưng nếu chỉ có vậy, các cấp Hội Cựu giáo chức sẽ chẳng khác nào một hội từ thiện. Mà cao hơn, hội còn là nơi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề giáo, tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển GD-ĐT. Còn nhớ, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ có quyết định về chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ trợ cấp thâm niên trong lương hưu. Có hơn 2 ngàn nhà giáo đủ tiêu chuẩn hưởng khoản trợ cấp, nhưng không phải ai cũng nắm được thông tin này. Nhiều chi hội đã cử người thông báo rộng rãi đến hội viên, xem xét điều kiện của từng hội viên có nằm trong tiêu chuẩn được trợ cấp, một số cấp hội, chi hội còn chủ động phối hợp với ngành bảo hiểm xã hội giúp hoàn thành thủ tục hưởng trợ cấp cho các hội viên… với tổng số tiền lên đến hơn 18 tỷ đồng, đảm bảo quyền lợi cho hội viên, đồng thời thể hiện được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cựu giáo chức.

Về hưu, không có nghĩa là nghỉ ngơi. Thông qua hoạt động các cấp hội, tiềm năng trí tuệ của đội ngũ cựu giáo chức tiếp tục được cống hiến, phát huy, viết tiếp truyền thống của nghề giáo. “Điều gì còn lại sau khi những thứ khác mất đi, đó là văn hóa”. Quãng đời cống hiến của các cựu giáo chức qua đi, nhưng giá trị của nghề, của người vẫn mãi tồn tại, tỏa sáng.

Hà Lam

Tin xem nhiều