Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, TP.Biên Hòa và 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi gần 100 dự án treo lâu năm không có khả năng thực hiện. Đây là 3 địa phương đề nghị thu hồi dự án nhiều nhất tỉnh, song qua rà soát, tỉnh ban hành quyết định thu hồi gần 30 dự án.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, TP.Biên Hòa và 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi gần 100 dự án treo lâu năm không có khả năng thực hiện. Đây là 3 địa phương đề nghị thu hồi dự án nhiều nhất tỉnh, song qua rà soát, tỉnh ban hành quyết định thu hồi gần 30 dự án.
Dự kiến thời gian tới, dựa trên đề xuất của các địa phương, tỉnh sẽ cho rà soát lại và tiếp tục “trảm” nhiều dự án treo khác để trả lại quyền lợi cho người dân và mời gọi các nhà đầu tư thực sự có năng lực. Đây là “liều thuốc” cần thiết để giải quyết những dự án treo kéo dài nhiều năm, làm khổ người dân trong vùng quy hoạch. Họ không thể xin cấp giấy chủ quyền nhà - đất, không thể chuyển nhượng, không thể xin cấp phép xây dựng hay sửa chữa, đến chuyện điện thắp sáng, nước sinh hoạt, nhập hộ khẩu hay xin học cho con... và ngay cả chuyện mưu sinh lâu dài cũng không toan tính được. Trồng cây gì, nuôi con gì, xây dựng cơ sở làm ăn gì cũng lo ngay ngáy việc đất đai mình nằm trong quy hoạch, biết 1 năm hay 10 năm mới “thoát”?
Có vẻ sau nhiều năm, ở giai đoạn này tỉnh Đồng Nai đã quyết liệt hơn trong việc xóa bỏ quy hoạch treo, thể hiện qua số lượng dự án xóa quy hoạch trong 5 tháng đầu năm 2016 đã chiếm 1/3 toàn bộ dự án xóa treo của nhiều năm cộng lại. Cụ thể, trong hơn 5 tháng đầu năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi 27 dự án quy hoạch treo, trong đó có 15 dự án quy hoạch khu dân cư. Những dự án bị thu hồi đều do nhà đầu tư kéo dài nhiều năm không thực hiện, gây bức xúc cho người dân trong vùng dự án. Tính đến nay, tỉnh đã thu hồi khoảng 95 dự án khu dân cư có diện tích gần 3,2 ngàn hécta do chủ dự án chậm triển khai. Hiện số dự án khu dân cư còn hiệu lực trong tỉnh là 434 dự án và sẽ tiếp tục được rà soát kỹ lưỡng, dự án nào bất khả thi gây phiền nhiễu cho dân sẽ bị xóa nhanh chóng.
Luật Đất đai 2003 quy định sau 3 năm nếu diện tích đất công bố thu hồi không được thực hiện theo kế hoạch thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt kế hoạch đó phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và công bố. Luật Đất đai 2013 tiến bộ và thực tế hơn khi quy định trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền “không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền...”. Mỗi một chính sách, một sự cải tiến về pháp luật đều mong muốn đặt quyền lợi chính đáng của người dân lên trên hết. Song, thực thi luật và áp dụng chính sách như thế nào lại còn tùy thuộc vào từng ngành, từng địa phương. Nơi nào coi trọng đời sống người dân, ở đó thấy rõ sự tiến bộ (hoặc bất cập) của luật và chính sách để thay đổi. Bằng ngược lại, vẫn luôn có sự áp dụng máy móc bất chấp những bức xúc trong đời sống hàng ngày của người dân.
Muốn “dã tật” thì phải dùng “thuốc đắng”. Xóa dự án treo sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến quyền lợi nhà đầu tư, nhưng lại được lòng dân trong vùng quy hoạch, và cái được lớn hơn nữa là đưa mọi việc về gần hơn với sự minh bạch, công bằng, tạo niềm tin vào chính quyền lớn hơn, bền vững hơn.
Vi Lâm