Điệp khúc "Mỗi năm đến hè, phụ huynh thấy buồn…" năm nào cũng lặp lại. Càng đắng lòng hơn, điệp khúc buồn ấy lại rơi đúng vào ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6.
Điệp khúc “Mỗi năm đến hè, phụ huynh thấy buồn…” năm nào cũng lặp lại. Càng đắng lòng hơn, điệp khúc buồn ấy lại rơi đúng vào ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6.
Còn nhớ vào ngày này năm trước, cũng trên chuyên mục này, người viết có hỏi “Ai chở mùa hè của em đi đâu?”. Đến hè năm nay, đó vẫn là “một câu hỏi lớn chưa có lời đáp”.
Dù biết công sở là nơi làm việc nhưng không ít phụ huynh vẫn không có cách nào hơn là phải đèo con theo. Còn khóa cửa nhốt con ở nhà một mình thì không phụ huynh nào không nơm nớp lo sợ cảnh con trẻ nghịch dại, hoặc bị “hấp dẫn” bởi điện thoại thông minh và thế giới mạng vốn vô cùng phức tạp. Càng đáng bàn hơn, dù mới vào hè nhưng trên Báo Đồng Nai đã xuất hiện thông tin thương tâm về trường hợp một học sinh lớp 3 ở xã Ngọc Định (huyện Định Quán) bị đuối nước… Trong mỗi khúc mắc, sự cố và tai nạn ấy, lỗi không bao giờ chỉ nằm ở trẻ em, mà thường nằm ở người lớn, trong từng gia đình và cả xã hội.
Quả thật, điểm lại một năm qua, các cấp, các ngành và các địa phương đã có những giải pháp căn cơ gì để tạo một sân chơi mùa hè thực sự vui tươi - an toàn cho trẻ? Đây quả thực là một bài toán khó, không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Trọng tâm của mùa hè năm nay là “hè hướng về về cơ sở”. Nhưng đối với trẻ em vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những chương trình văn nghệ, chiếu phim, trao quà… mà nhiều đơn vị và địa phương tích cực tổ chức, vẫn như chưa phổ biến. Rõ ràng ở đây, “cung” vẫn chưa đủ “cầu”, hoặc “cung” chưa đáp ứng “cầu” vì trẻ em nghèo ở vùng nông thôn và khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn “khát” sân chơi trong mùa hè, vẫn cần những lớp dạy bơi, lớp dạy kỹ năng sống, các lớp năng khiếu… sau những buổi phụ giúp cha mẹ tăng gia việc đồng áng hoặc ở nhà trông em…
Trên thực tế, có nhiều “lời than khó” trong việc tổ chức sân chơi mùa hè. Đó là những trở ngại từ nguồn vốn, quỹ đất, đi kèm với hàng loạt vấn đề về nguồn nhân lực, việc đảm bảo an toàn trong vệ sinh thực phẩm, an toàn vui chơi… cho các em.
Giải quyết vấn đề này, xã hội hóa được xem là một cứu cánh hiệu quả. Tại đô thị loại I là TP. Biên Hòa, mô hình bán trú tiểu học và bán trú mầm non ở Nhà thiếu nhi Đồng Nai là một ví dụ điển hình cho một sân chơi hè thiết thực trong nhiều năm qua. Nhưng “một con én không làm nên mùa xuân”, mô hình tích cực này đến nay đã quá tải khi: với điều kiện nhân sự và cơ sở vật chất có hạn, Nhà thiếu nhi Đồng Nai phải gồng gánh cả ngàn lượt trẻ đến học tập, sinh hoạt và vui chơi mỗi ngày hè.
Quả thật, làm bao nhiêu mô hình xã hội hóa cho trẻ em từ thành thị đến nông thôn vẫn không thể nào đủ, vấn đề cần bàn là việc cộng đồng trách nhiệm, năng động kêu gọi nhiều nguồn lực để làm nhanh, làm ngay chứ không thể mãi là quyết tâm, rồi từ mùa hè này sang mùa hè khác… điệp khúc hè lại đến.
Bên cạnh đó, một mắt xích quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho trẻ, chính cha mẹ, chứ không ai khác hơn, mới có thể đem lại mùa hè ý nghĩa cho con mình. Ngày hè, phụ huynh có thể “gửi trẻ” ở các lớp học rèn chữ, lớp ngoại ngữ, các lớp học kỹ năng. Nhưng nơi nào có thể bồi dưỡng tình cảm, bồi dưỡng nhân cách, cũng như các kỹ năng sống bằng chính quê hương, ông bà và cha mẹ mình?
Nếu có sự bắt tay từ gia đình và cộng đồng xã hội, dù chuyến xe mùa hè không thể chở hết mọi trẻ em, nhưng cũng sẽ giảm thiểu đi khúc mắc và những tai nạn thương tiếc không đáng có, để các em thực sự có những ngày hè vui đúng nghĩa.
Lâm Viên