Những ngày lễ 30-4 và 1-5 đã trôi qua trong không khí vui vẻ và thanh bình. Các điểm du lịch, vui chơi giải trí đều đông kín người, người dân được hưởng thụ sự an lành, bình yên.
Những ngày lễ 30-4 và 1-5 đã trôi qua trong không khí vui vẻ và thanh bình. Các điểm du lịch, vui chơi giải trí đều đông kín người, người dân được hưởng thụ sự an lành, bình yên. Đối với một đất nước mà thế kỷ nào cũng xảy ra chiến tranh chống xâm lược, sự bình yên ấy thật quý giá. Một đất nước bước đầu hội nhập với thế giới, luôn trong hoàn cảnh bị các nước lớn tìm mọi cách chi phối, không khí an bình ấy càng vô cùng quý giá, cần được trân trọng.
41 năm qua, vượt lên sự đói nghèo, lạc hậu, đến nay đất nước tiến bước vào hội nhập, chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm, nhiều khuyết điểm, hạn chế cần phải khắc phục. Trong công tác quản lý điều hành vẫn còn những vấn đề thiếu thông tin, chậm chuyển biến khiến người dân chưa đồng tình, thậm chí bức xúc, như: tình hình Biển Đông còn “dậy sóng”, tình trạng tham nhũng chưa được xử lý triệt để, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa quản lý chặt chẽ, giao thông chưa thật sự an toàn… Nay lại thêm chuyện cá chết chưa rõ nguyên nhân tại bờ biển các tỉnh miền Trung, vụ ống xả thải ngầm ở Công ty TNHH gang thép hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Trước những vấn đề lớn của đất nước, người dân suy nghĩ gì, và cần phải làm gì?
Trong một ngôi nhà nhỏ, nhiều khi cũng xảy ra lắm chuyện: gián, chuột “tấn công”, thực phẩm bị kiến, ruồi bu đậu, người trong nhà bất đồng ý kiến, xích mích cãi vã. Để ngôi nhà trở thành tổ ấm, mọi người trong gia đình đều có trách nhiệm tìm cách khắc phục trên nguyên tắc bảo vệ và xây dựng. Một đất nước cũng vậy, khi xảy ra sự cố , vận mệnh đất nước nằm trong tay tất cả người dân, cần mọi người đồng lòng, đoàn kết khắc phục, vượt qua cũng trên tinh thần bảo vệ và xây dựng. Từ khi đất nước đổi mới và quyết tâm xây dựng nền dân chủ, người dân ngày càng có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng đất nước, kể cả ý kiến phản biện. Từ những diễn đàn, phòng họp hay bên lề đường, hè phố, quán cà phê cóc, đâu đâu người dân cũng lắng nghe, bàn tán về những quyết sách, những việc làm mới cho đến hành vi, lời nói, động thái của từng người giữ trọng trách.
Thế nhưng, bên cạnh những ý kiến đóng góp có trách nhiệm, đây đó vẫn còn có những ý kiến nhân vào những sự cố để phủ nhận thành quả, công sức mà Đảng, Nhà nước và nhân dân dày công xây dựng từ bao lâu nay, thậm chí báng bổ, đạp đổ. Cá chết, vội vã kết luận là biển chết, trong những ngày lễ yên bình có những nhóm người nghe lời xúi giục từ bên ngoài kêu gọi xuống đường biểu tình, quấy đục không khí thanh bình của đất nước. Họ hô vang những khẩu hiệu tưởng rằng đó là yêu nước, nhưng thực chất vô hình trung tạo kẽ hở cho kẻ xấu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, tự bôi xấu bộ mặt ngôi nhà chính mình, đất nước mình.
Câu hỏi đất nước sẽ đi đâu, về đâu luôn nằm trong trái tim, tấm lòng, khối óc và ý thức xây dựng của tất cả công dân. Đất nước phát triển, đẹp giàu, bền vững hay không cũng là do bàn tay xây dựng của mọi công dân, vun đắp nền móng bằng ý thức và trách nhiệm của chính mình. Mỗi người là một viên gạch kết nối chặt chẽ cùng nhau thì nền móng mới vững vàng. Chuyện thực phẩm bẩn, an toàn giao thông, cá chết… Chính phủ đã và đang ráo riết tìm giải pháp xử lý, đồng thời kêu gọi toàn dân cùng nhau chung tay góp sức, thì cớ gì phải “cầu viện” từ ai đó ở bên ngoài can thiệp? Trong ngôi nhà mình đang làm chủ, sao lại để ai đó quyết định những vấn đề của chính mình?
Hà Lam