Lần đầu tiên, lễ hội hoa anh đào được tổ chức ở Đồng Nai. Hơn 48 ngàn lượt người đã háo hức tham dự sự kiện này, cho thấy sức hút rất lớn từ loài hoa mang nhiều ý nghĩa này. Truyền thuyết về loài hoa anh đào là câu chuyện vô cùng xúc động về tình yêu, tình người.
Lần đầu tiên, lễ hội hoa anh đào được tổ chức ở Đồng Nai. Hơn 48 ngàn lượt người đã háo hức tham dự sự kiện này, cho thấy sức hút rất lớn từ loài hoa mang nhiều ý nghĩa này. Truyền thuyết về loài hoa anh đào là câu chuyện vô cùng xúc động về tình yêu, tình người. Chuyện rằng, xa xưa ở xứ sở của Thái Dương thần nữ có một samurai tài ba được cha trao truyền cho thanh sắt quý do vị thiền sư tặng để rèn thành kiếm, là vũ khí không thể thiếu của các võ sĩ. Tài ba, nhưng chàng samurai không có cơ hội tung hoành vì thanh kiếm chỉ trở thành kiếm báu khi thấm máu người.
Nước Nhật thuở ấy thanh bình, không có chiến tranh, thậm chí không có kẻ cướp để chàng trổ tài, vì thế chàng luôn buồn bã. Thấy vậy, người yêu của chàng đã dùng thanh kiếm ấy đâm vào tim mình, dùng máu biến thanh kiếm thành bảo kiếm để thỏa lòng ước nguyện của chàng. Có kiếm báu nhưng mất đi người yêu dấu, chàng samurai sau đó đã tự sát vì nhận ra rằng mục tiêu cao nhất của đời người không phải là chiến thắng hay trở thành người vô địch, mà chính là cuộc sống an bình bên người thân yêu. Chàng tự sát, chết bên mộ người yêu, nơi ấy sau đó mọc lên loài hoa lạ, được đặt tên là hoa anh đào. Hoa mang ý nghĩa nhân văn, thấm đẫm tình yêu và tình người, trở thành biểu tượng văn hóa của Nhật Bản, từ đó lan tỏa ra khắp thế giới và được mọi người yêu thích.
Việt Nam có loại trái cây có sự tích mang ý nghĩa tương tự, đó là trái sầu riêng. Có chàng trai người xứ Đồng Nai vì trốn tránh kẻ thù đã đi đến phương xa. Trên đường đi, chàng dùng nghề thuốc cứu được cô gái địa phương, nhờ đó cưới được nàng làm vợ. Đôi vợ chồng đang sống hạnh phúc bên nhau thì cô gái đột ngột qua đời. Chàng trở về quê nhà, mang theo hình bóng vợ và quả tu-rên ngon ngọt của quê vợ và trồng thành cây. Nhân ngày giỗ của vợ, chàng mang trái tu-rên ra đãi mọi người và kể về mối tình chung thủy của cô gái xứ sở tu-rên. Lạ thay, giọt nước mắt ân tình của chàng vừa nhỏ xuống, quả tu-rên bỗng dậy lên mùi thơm đậm đà. Người dân sau đó đã đặt tên là trái sầu riêng, để nhớ mãi mối tình thắm thiết của đôi vợ chồng.
Hoa anh đào và trái sầu riêng đều giống nhau ở chỗ cây trái vốn vô tình, nhưng khi thấm đậm tình yêu, tình người đã trở nên ý nghĩa hơn. Hoa anh đào, sầu riêng mang ý nghĩa giống nhau, nhưng số phận lại khác nhau. Hoa anh đào được người dân Nhật trân trọng, lễ hội hoa anh đào không chỉ tổ chức nhiều địa phương ở Việt Nam, trong đó có Đồng Nai, mà còn là lễ hội phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… Giữa tháng 4 nóng bức, hoa anh đào xuất hiện ở Đồng Nai không chỉ mang theo sự dịu dàng mà còn “thay lời muốn nói” về nền văn hóa của đất nước Nhật Bản. Còn trái sầu riêng, trong đó có sầu riêng Đồng Nai, nông dân đang đánh vật với bài toán: có bán được sản phẩm? Giá bao nhiêu? Bao giờ thoát cảnh “được mùa mất giá”? Điều này ắt không phải là do bản thân hoa anh đào hay trái sầu riêng, mà còn do chiều sâu của các chính sách kinh tế - văn hóa, sự cảm nhận về bản sắc dân tộc, ý thức xây dựng “văn hiệu” của người Việt Nam.
Lâu nay, mọi người đã quen thuộc với khẩu hiệu “Dùng hàng Việt là yêu nước”. Hội nhập sâu rộng, còn phải tìm cách đưa hàng Việt đến với thị trường thế giới, đó mới là cách yêu nước cao hơn, xa hơn, thiết thực hơn nữa.
Hà Lam