Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng Việt và "hiệu ứng cánh bướm" thời hội nhập

09:04, 18/04/2016

"Liệu một con bướm đập cánh ở Brasil có thể gây ra một cơn lốc ở bang Texas?" là câu nói nổi tiếng về "hiệu ứng cánh bướm" của nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn Edward Norton Lorenz. Theo đó, một cú đập cánh của con bướm nhỏ có thể gây ra những thay đổi lớn về thời tiết ở nơi cách con bướm hàng vạn dặm.

“Liệu một con bướm đập cánh ở Brasil có thể gây ra một cơn lốc ở bang Texas?” là câu nói nổi tiếng về “hiệu ứng cánh bướm” của nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn Edward Norton Lorenz. Theo đó, một cú đập cánh của con bướm nhỏ có thể gây ra những thay đổi lớn về thời tiết ở nơi cách con bướm hàng vạn dặm.

Giờ đây người ta sử dụng thuật ngữ “hiệu ứng cánh bướm” trong mọi lĩnh vực, từ thể thao, văn hóa đến kinh doanh, biểu hiện cho nội dung cốt lõi: trong một môi trường có tính liên kết cao, chỉ một thay đổi nhỏ nhất ở một góc nào đó, có thể gây hệ quả lớn, thậm chí làm gãy đổ cả một hệ thống.

Có thể coi việc tham gia đến 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam là việc tham gia vào một hệ thống có tính liên kết cao và sự ảnh hưởng lẫn nhau là rất lớn. Ông Nestor Scherbey, cố vấn cao cấp của Liên minh Tạo thuận lợi thương mại Việt Nam (VTFA) trong một hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp tại Đồng Nai, từng cho biết với kinh nghiệm 30 năm làm việc của mình, ông chưa từng thấy có một quốc gia nào triển khai cùng lúc nhiều hiệp định thương mại tự do như Việt Nam hiện tại, do đó “thách thức là vô cùng lớn”.

Tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, hàng Việt sẽ đặt mình vào tư thế khác: hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp khó khăn nếu Hoa Kỳ áp dụng một tiêu chuẩn mới trong nhập khẩu hàng hóa, hoặc nếu ASEAN thay đổi một chính sách nào đó về thuế quan, hoặc bất kỳ một thị trường nào mà Việt Nam đã tham gia với tư cách một người trong cuộc thông qua các hiệp định thương mại tự do. Những “cánh bướm” đập đâu đó ở các thị trường khác, có thể gây nên cả cuộc khủng hoảng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Nói như thế để thấy, Việt Nam và doanh nghiệp sản xuất hàng Việt không còn “một mình một chợ” như trước đây nữa. Sân nhà sẽ có sự tham gia của hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới với cùng một mức thuế như nhau, hàng Việt không còn được “bảo bọc” với những lợi thế cạnh tranh về thuế và phải đơn độc chiến đấu để giành thị phần. Nếu thắng, họ được ở lại thị trường và thậm chí mang hàng qua nước khác bán, nếu thua, họ phải chấp nhận rời bỏ cuộc chơi.

Vậy điều gì khiến người tiêu dùng chịu mua hàng Việt thay vì hàng ngoại? Từ chiếc áo sơ-mi đến hộp sữa, từ đôi dép đến cây xúc xích, người mua sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn đối với hàng hóa có thương hiệu, vì đó là “bảo chứng” cho nhiều thứ: chất lượng, độ bền, sự an toàn, giá trị tinh thần… chứ không chỉ đơn thuần là một món hàng. Ở thị trường trong nước, người mua vẫn sẽ ưu tiên hàng hóa Việt Nam nếu có sự tương đương về giá, chất lượng và thương hiệu.

Ở môi trường rộng hơn, Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Hàn Quốc có thể tạo ra nhiều “cú đập” của cánh bướm để bảo vệ hàng hóa trong nước, nhưng luôn có một kẽ hở dành cho hàng hóa thực sự chất lượng và có uy tín thương hiệu, vậy nên gạo Việt Nam, chuối Việt Nam, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, giày dép và hàng may mặc Việt Nam, thủy sản Việt Nam… đến từ những công ty Việt có được là lựa chọn hàng đầu hay không, nằm ở nội lực của chính doanh nghiệp Việt. Vậy nên chỉ có dựa vào sức mình, hàng Việt mới có cơ hội tồn tại và lớn mạnh.

Năm 2016, Việt Nam sẽ kỷ niệm mốc 30 năm đổi mới với rất nhiều thương hiệu Việt đã ra đời và trưởng thành, dù cũng nhiều thương hiệu mất đi, song tin rằng, thương hiệu quốc gia sẽ bắt đầu từ những “cú đập cánh” tích cực từ tư duy làm ăn minh bạch, năng động, vững vàng của doanh nghiệp Việt.

Kim Ngân

Tin xem nhiều