Vậy là cuối cùng, những lo ngại về việc lây truyền loại virus nguy hiểm Zika đã tới Việt Nam với 2 nữ bệnh nhân được ghi nhận ở Khánh Hòa và TP.Hồ Chí Minh. Cả hai trường hợp này đều được xác định là do muỗi truyền, chứ không phải lây truyền qua quan hệ tình dục hay các con đường khác.
Vậy là cuối cùng, những lo ngại về việc lây truyền loại virus nguy hiểm Zika đã tới Việt Nam với 2 nữ bệnh nhân được ghi nhận ở Khánh Hòa và TP.Hồ Chí Minh. Cả hai trường hợp này đều được xác định là do muỗi truyền, chứ không phải lây truyền qua quan hệ tình dục hay các con đường khác.
Thông tin ngay tại cuộc họp báo công bố về 2 trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, virus Zika được xác định là thủ phạm gây nên căn bệnh đầu nhỏ ở trẻ em và đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những quốc gia ở rất gần Việt Nam, như: Lào, Campuchia...Do đó, với sự thông thương như hiện nay, việc Việt Nam xuất hiện những trường hợp nhiễm virus Zika đã được dự báo trước. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng khẳng định: ngành đã chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết, như: cơ sở vật chất, thuốc men, hóa chất xét nghiệm... để phòng chống dịch bệnh này.
Phát biểu với báo giới ngay trong cuộc thị sát khu vực nữ bệnh nhân 33 tuổi tại TP. Hồ Chí Minh đang sinh sống được xác định bị nhiễm virus Zika khi đang mang thai 8 tuần, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, bệnh do virus Zika là một bệnh nhẹ có biểu hiện sốt, đau mình mẩy. Các triệu chứng bệnh của Zika có thể tự khỏi, 80% không có biểu hiện triệu chứng. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khuyến cáo: nguy cơ mắc hội chứng đầu nhỏ chỉ ảnh hưởng trong 3 tháng đầu của thai kỳ và không phải trường hợp nào nhiễm virus Zika cũng mắc bệnh đầu nhỏ. Do đó, người dân không nên quá lo lắng, đặc biệt là các thai phụ. Chỉ các trường hợp có thai thấy biểu hiện sốt, viêm kết mạc, nổi ban thì mới nên đến cơ sở y tế để theo dõi, làm xét nghiệm. Để phòng bệnh, người dân mà đặc biệt là phụ nữ mang thai nên đề phòng muỗi cắn, như: ngủ mùng, bận quần áo tay dài. Nếu không thực sự cần thiết, không nên đến khu vực bệnh lưu hành.
Việt Nam đã có khá nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh, như: virus cúm A/H1N1, A/H5N1, Sars... Sự vào cuộc của ngành y tế ngay sau khi có những trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika cũng đã cho thấy sự chủ động đối phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của ngành y tế, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bởi theo các chuyên gia, cách phòng chống virus Zika cũng giống như phòng chống sốt xuất huyết, chủ yếu là hạn chế đến mức thấp nhất bị muỗi đốt. Mà muốn vậy, môi trường sống phải luôn đảm bảo được vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng để muỗi, lăng quăng không phát triển được. Người dân phải biết bảo vệ mình bằng các biện pháp đơn giản như ngủ mùng, bôi thuốc chống muỗi, ăn uống hợp vệ sinh...
Không nên quá lo lắng, hoang mang về một loại dịch bệnh hoàn toàn có khả năng dự phòng được.
Minh Ngọc