Báo Đồng Nai điện tử
En

Bình đẳng giữa các ứng cử viên

11:04, 10/04/2016

Tự ứng cử không phải là điều gì mới mẻ trong nền chính trị Việt Nam. 70 năm trước, trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa I năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, xu hướng này đã thật sự phát huy hiệu quả.

Tự ứng cử không phải là điều gì mới mẻ trong nền chính trị Việt Nam. 70 năm trước, trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa I năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, xu hướng này đã thật sự phát huy hiệu quả.

Cuộc bầu cử Quốc hội lần XIV có điểm đáng chú ý là số người tự ứng cử tăng cao. Cả nước có trên 100 người tự ứng cử, trong đó 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh dẫn đầu với số người tự ứng cử lần lượt là 48 và 50.

Tự ứng cử là quyền của công dân đã được hiến định trong Hiến pháp. Tất nhiên, để đi đến “vòng chung kết”, tức được đưa vào danh sách ứng cử viên chính thức, tất cả các ứng cử viên đều phải vượt qua nhiều “vòng sát hạch” nghiêm ngặt, như: hội nghị hiệp thương lần thứ hai, hội nghị cử tri, hội nghị hiệp thương lần thứ 3... Nhìn vào danh sách những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội lần này có nhiều người là trí thức, nhà khoa học, nghệ sĩ có uy tín trong xã hội và có cả những người lao động bình thường. Như vậy, tự ứng cử chính là một xu hướng tích cực khi ngày càng có nhiều người dân quan tâm, muốn tham gia vào nền chính trị của đất nước. Xu hướng tự ứng cử đông đảo cũng là minh chứng hùng hồn trong tiến bộ về công tác bầu cử của nước ta. Chứng tỏ rằng tính dân chủ trong các hoạt động về bầu cử tăng lên và chứng tỏ rằng người dân hoàn toàn không thờ ơ với chính trị mà ngược lại, rất quan tâm đến những vấn đề của đất nước.

Dĩ nhiên, người tự ứng cử cũng như người được các cơ quan, đơn vị giới thiệu ứng cử đều phải đảm bảo những tiêu chuẩn đã được nêu trong Luật Tổ chức Quốc hội, như: trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm; có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Mặc dù thủ tục đối với người tự ứng cử có vẻ đơn giản hơn người được cơ quan, đơn vị giới thiệu, nhưng trong thực tế thì những người tự ứng cử phải đối diện với nhiều khó khăn hơn so với những người được cơ quan, tổ chức giới thiệu. Điều này hoàn toàn không khó hiểu bởi những người do tập thể, cơ quan giới thiệu có điều kiện thẩm định về hồ sơ, lý lịch, quá trình công tác, cống hiến. MTTQ Việt Nam - cơ quan chủ trì hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội đã nhiều lần lên tiếng khẳng định: “Không ai được làm khó dễ người tự ứng cử, đó là vi phạm pháp luật”. Thế nhưng, trong thực tế người tự ứng cử phải vượt qua những áp lực, trong đó có định kiến xã hội cho rằng họ là người háo danh, hoang tưởng…

Thời gian qua, một số ứng cử viên đã không được cử tri nơi cư trú tín nhiệm vì không đạt được một trong những tiêu chuẩn của người đại biểu của nhân dân, trong đó có việc không gần gũi, gắn bó với bà con địa phương. Và một khi không được tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, không ít người lại quay sang lớn tiếng xuyên tạc mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử, vu khống các cơ quan liên quan.

Tất nhiên, để được lựa chọn là ứng cử viên chính thức, các cá nhân tự ứng cử bên cạnh việc hội đủ các tiêu chuẩn của người đại biểu nhân dân, còn phải chuẩn bị một tâm thế, một chương trình hành động cụ thể có thể đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của cử tri. Đồng thời, cử tri cũng khách quan trong việc cân nhắc, chọn lựa những người xứng đáng mà không phân biệt đó là ứng cử viên được tổ chức giới thiệu hay là người tự ứng cử.

Như Ái

Tin xem nhiều