Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), trong thương mại quốc tế, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được coi là ba cột trụ của hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại và được áp dụng để bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hóa nước khác.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), trong thương mại quốc tế, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được coi là ba cột trụ của hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại và được áp dụng để bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hóa nước khác.
Về bản chất, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu. Trong đó, chống bán phá giá nhằm đối phó với hành vi bán sản phẩm với giá thấp để chiếm lĩnh thị trường và tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh. Biện pháp chống trợ cấp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước xuất phát từ các chính sách trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu.
Về mặt ý thức, từ khi làn sóng đầu tư nước ngoài tràn vào và nhất là khi Việt Nam chủ động tham gia nhiều hiệp định thương mại song và đa phương, Chính phủ đã quan tâm đến phòng vệ thương mại. Cho đến nay, Việt Nam đã ban hành 7 nghị định, pháp lệnh, thông tư về các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh.
Ở khía cạnh các quy phạm pháp luật đã theo kịp thực tế thị trường, đã là chỗ dựa cho doanh nghiệp khi “xông pha” chiến trường kinh doanh hay chưa, còn nhiều điều bàn luận. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ nhận thức của doanh nghiệp về vấn đề này, có lẽ dễ thấy hơn: hầu như chưa nhiều doanh nghiệp quan tâm mạnh mẽ đến những công cụ sẽ giúp mình giữ vững thị trường hơn khi hàng ngoại nhập tràn vào.
Điều này có thể thấy rõ qua thống kê của Hội đồng Tư vấn phòng vệ thương mại của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo thống kê của cơ quan này, số lượng các vụ điều tra đối với hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài tính từ năm 2004 đến tháng 10-2015 khá lớn: 94 vụ, trong đó chống bán phá giá là 70 vụ, chống trợ cấp: 7 vụ và tự vệ: 17 vụ. Trong khi đó, tại Việt Nam mới có 1 vụ điều tra chống bán phá giá và 3 vụ tự vệ - đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là chủ yếu.
Chỉ có 3 vụ tự vệ và 1 vụ kiện chống bán phá giá tại Việt Nam không nói lên được tính “trong sạch” của thị trường trong nước, mà sâu xa hơn, như nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, luật sư… quan ngại: doanh nghiệp Việt chưa có thói quen xem trọng và áp dụng pháp luật vào công việc kinh doanh - điều cực kỳ phổ biến và quan trọng bậc nhất trong môi trường kinh doanh quốc tế. Tâm lý ngại kiện cáo, sợ tốn kém chi phí hoặc bản thân doanh nghiệp muốn kiện cũng chưa chắc đầy đủ hồ sơ chứng lý để chứng minh mình đúng đã làm hầu hết doanh nghiệp Việt chưa xem trọng việc bảo vệ mình, nhất là khi hàng ngoại sắp tràn vào thông qua các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký.
Chỉ còn rất ít thời gian nữa, áp lực sẽ càng đè nặng lên doanh nghiệp trong môi trường làm ăn cạnh tranh: chất lượng hàng hóa, giá, thương hiệu, marketing… cho đến việc sử dụng các công cụ pháp luật để bảo vệ thị trường, bảo vệ sản phẩm của mình, và thật đáng ngại nếu ngay từ bây giờ họ chưa được chuẩn bị sẵn sàng về ý thức đó. Vì “nước” không phải mới “đến chân” mà đã tràn vào nhà với tốc độ rất nhanh.
Vi Lâm