Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy nhanh cổ phần hóa

10:12, 09/12/2015

Ngày 3-12 vừa qua, Tổng công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) đã thông báo sẽ bán cổ phần ra công chúng lần đầu tiên theo quyết định của Thủ tướng. Trước đó mấy ngày, người đứng đầu Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) theo hình thức bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp.

Ngày 3-12 vừa qua, Tổng công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) đã thông báo sẽ bán cổ phần ra công chúng lần đầu tiên theo quyết định của Thủ tướng. Trước đó mấy ngày, người đứng đầu Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) theo hình thức bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp. Dự kiến đến cuối tháng 12-2015, doanh nghiệp này sẽ tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh. Đến cuối tháng 1-2016, Sonadezi sẽ đại hội cổ đông và sau đó đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Tại Đồng Nai, Sonadezi là một trong 5 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước buộc phải cổ phần hóa trong năm 2015 là: Công ty TNHH một thành viên xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa; Công ty TNHH một thành viên cấp nước Đồng Nai; Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai; Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm (Donafoods) và Tổng công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi).

Dù có trễ đôi chút, nhưng Đồng Nai là một trong số ít các tỉnh, thành hoàn thành đúng tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo quán triệt của Chính phủ. Cách đây đúng 1 tháng, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành cùng các địa phương về công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước năm 2015. Tại đầu cầu Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc chủ trì.

Sở dĩ Chính phủ “nóng ruột” là do đến nay, tình hình cổ phần hóa nói chung của doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi cả nước vẫn còn khá chậm. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương, 10 tháng của năm 2015, cả nước đã sắp xếp được 175 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 159 doanh nghiệp và sắp xếp 16 doanh nghiệp theo các hình thức bán, khoán, giải thể doanh nghiệp. Về kết quả thoái vốn nhà nước, đã thoái vốn được hơn 9.150 tỷ đồng, thu về trên 13.760 tỷ đồng. Các Bộ: Công thương, Tài nguyên - môi trường, Thông tin - truyền thông và các địa phương, gồm: Nam Định, Tiền Giang, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai… đã được “nhắc nhở” phải nhanh hoàn thành tiến độ trong năm nay.

Lo ngại đặt ra là nếu “ép” tiến độ thì chất lượng sẽ bị ảnh hưởng, bởi mục tiêu cổ phần hóa, tái cơ cấu hay thoái vốn cũng nhằm hướng đến mục đích sắp xếp để doanh nghiệp hoạt động tốt và sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn mà thôi. Nếu ép tiến độ, cổ phần khi vẫn còn mang nặng yếu kém về quản trị, lề lối làm việc, tính minh bạch công khai… thì hậu quả có khi còn nặng nề hơn, bởi nhà đầu tư sẽ khó có lòng tin trong việc quyết định mua cổ phần.

 Chính vì vậy, dung hòa gữa việc thúc tiến độ và giữ chất lượng luôn là một bài toán khó, cần cân đong kỹ lưỡng để đồng vốn của Nhà nước - thực tế là tiền thuế của người dân, được cân nhắc một cách hiệu quả nhất, kể cả trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hay thoái vốn.

Vi Lâm

Tin xem nhiều