Báo Đồng Nai điện tử
En

Chờ đợi PPP

10:11, 15/11/2015

Nếu dự án đường liên cảng Nhơn Trạch thành công, trong tương lai Đồng Nai sẽ có dự án đầu tiên thực hiện theo hình thức PPP (Public - Private Partner), nghĩa là Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án.

Nếu dự án đường liên cảng Nhơn Trạch thành công, trong tương lai Đồng Nai sẽ có dự án đầu tiên thực hiện theo hình thức PPP (Public - Private Partner), nghĩa là Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án.

Ở mô hình PPP, Nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và người dân.

Xuất phát từ nhu cầu bức thiết về huy động vốn trong thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, Chính phủ đã học hỏi, quan sát, thử nghiệm nhiều lần để cho ra Nghị định 15 quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) vào tháng 2-2015. Nghị định 15 được giới đầu tư ví như “một cú thở phào”, vì cuối cùng sau nhiều vướng mắc đã có hành lang pháp lý cụ thể cho mô hình hợp tác được đánh giá là “cây đũa thần”, sẽ tháo gỡ thế bí về vốn liếng trong đầu tư hạ tầng ở tầm quốc gia lẫn địa phương.

Trước đó, PPP được đề cập đến như một cứu cánh cho Việt Nam - quốc gia mỗi năm cần đến cả trăm ngàn tỷ đồng để xây dựng hạ tầng. Vốn ngân sách không bao giờ đủ cho nhu cầu, các hình thức khác như BT hay BOT vẫn có những hạn chế nhất định khiến nhiều dự án đi vào bế tắc vì thiếu vốn. Học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia thực hiện PPP rất thành công, như: Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan… từ khi chưa có Nghị định 15, PPP đã được TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội thử nghiệm cho một số dự án, nhưng bất thành vì khung pháp lý chưa có, nhà đầu tư e ngại.

Chẳng hạn, dự án đường liên cảng Nhơn Trạch có tổng vốn đầu tư ở 3 giai đoạn lên đến trên 6,35 ngàn tỷ đồng, trước mắt giai đoạn 1 cần đến 2,85 ngàn tỷ, không thể thực hiện đầu tư theo hình thức BOT do nguồn vốn đầu tư khá lớn. Trong khi đó, lượng xe ban đầu không nhiều nên việc hoàn vốn rất khó, vì vậy các tổ chức tín dụng sẽ không tài trợ vốn. Vậy nên PPP đang được lựa chọn vì Nhà nước chỉ bỏ ra 30% vốn, còn lại sẽ mời thầu các nhà đầu tư có đủ năng lực tham gia. Dự án này nếu thành công, vẫn sẽ giải quyết được khâu hoàn vốn cho nhà đầu tư thông qua các phương án thu phí.

Một điều sâu xa hơn, mang ý nghĩa nhiều hơn khi PPP có hành lang pháp lý, là vốn tư nhân, vốn nước ngoài sẽ có cơ hội “chảy” vào hạ tầng nhiều hơn, công bằng hơn vì khá nhiều điểm trong Nghị định 15 đã khắc phục được cơ chế xin - cho của các hình thức đầu tư trước đây, như BOT chẳng hạn, mặc dù giải pháp BOT cũng đã có đóng góp rất lớn qua thời gian với nhiều dự án thành công, bớt gánh nặng cho ngân sách. Chính phủ cũng đã nhiều lần nhìn nhận được còn nhiều tồn tại, vướng mắc với những dự án BOT, bởi không đảm bảo tính cạnh tranh và còn tồn tại cơ chế xin - cho đằng sau những quyết định đầu tư dự án.

Hy vọng rằng, nếu PPP ở các dự án hạ tầng thành công, có thể tạo những tiền lệ tốt để nguồn vốn tư nhân đổ vào những lĩnh vực khác, như: xây dựng trường học, bệnh viện, nhà ở… như các quốc gia lớn khác, chẳng hạn Hoa Kỳ và Australia đã làm và rất thành công.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều