Báo Đồng Nai điện tử
En

Trên vai là trọng trách

10:10, 11/10/2015

Giới doanh nhân mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 năm nay trong một tâm thế khá đặc biệt vì trước đó 8 ngày, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt thỏa thuận tại TP. Atlanta, Hoa Kỳ sau 5 năm đàm phán vất vả mà nhiều lần tưởng phải dừng lại vì không tìm được tiếng nói chung.

Giới doanh nhân mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 năm nay trong một tâm thế khá đặc biệt vì trước đó 8 ngày, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt thỏa thuận tại TP. Atlanta, Hoa Kỳ sau 5 năm đàm phán vất vả mà nhiều lần tưởng phải dừng lại vì không tìm được tiếng nói chung.

TPP cũng là từ được trao đổi nhiều nhất trong khuôn khổ Đại hội lần thứ IV của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai vừa diễn ra vào cuối tuần qua. Hơn ai hết, những người làm doanh nghiệp hiểu rằng, những tác động của các hiệp định thương mại trong thời kỳ tới, nhất là TPP, sẽ làm thay đổi cả suy nghĩ, quan niệm, cung cách làm ăn của họ, buộc họ phải thích nghi để tồn tại trong một môi trường kinh doanh mới rất cạnh tranh.

Vì sao chỉ trong một thời gian ngắn, Chính phủ lại chọn cách “dấn thân” vào rất nhiều hiệp định thương mại, cả song phương lẫn đa phương, đến thế? Ngoài TPP được cho là thỏa thuận thương mại lớn nhất từ trước đến nay mà Việt Nam tham gia, còn có những hiệp định khác cũng rất quan trọng và có sức chi phối lớn đến nhiều ngành hàng, nhiều lĩnh vực. Có thể kể đến các hiệp định quan trọng, như:  AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN), ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Australia/New Zealand, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Trung Quốc, cùng các hiệp định song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản, Chile, Hàn Quốc, Lào, Liên minh kinh tế Á Âu… Ngoài ra còn có 4 hiệp định đang đàm phán với EU, Hong Kong, EFTA (Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu)…

Câu trả lời chỉ có thể là những người điều hành muốn đưa Việt Nam phát triển nhanh, mạnh về kinh tế, trong thời gian ngắn, bằng cách trở thành thành viên của các hiệp định và chấp nhận những điều kiện của các thỏa thuận thương mại để trưởng thành. Mục tiêu cụ thể hơn là đưa GDP lớn mạnh, tăng trưởng hàng năm tăng, xuất siêu thay vì nhập siêu, thu hút đầu tư nước ngoài bền vững hơn, đội ngũ doanh nghiệp trong nước đông đảo hơn, hiệu quả hơn… và những mục tiêu này đã và đang trở thành trọng trách của giới doanh nhân Việt Nam. Trọng trách lớn đó càng thấy rõ hơn, qua những “hờn trách” của nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ đang “bênh” doanh nghiệp, “bỏ rơi” nông dân trong quá trình đàm phán TPP và những hiệp định khác, chỉ muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà “quên” nghĩ đến nông dân. Phân định đúng - sai thế nào thì chờ đến khi các hiệp định thực sự có hiệu lực mới biết, song sự kỳ vọng của đất nước dành cho đội ngũ doanh nhân là có thực, và đó là những kỳ vọng lớn. Chưa kể đến, trọng trách trước mắt là phải đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tồn tại tốt trong môi trường hội nhập sâu đầy thách thức sắp tới, vì trên vai mỗi doanh nhân là những trách nhiệm với người lao động, công nhân và cuộc sống của nhiều người khác.

Có thể nói, trên vai mỗi doanh nhân Việt hiện tại, một bên là kỳ vọng và một bên là trọng trách, nhiều vinh dự nhưng cũng lắm gian nan. Và mong rằng, Chính phủ sẽ thực sự tạo điều kiện và đồng hành cùng doanh nghiệp, bằng chính sách, bằng cải cách thể chế và thủ tục hành chính, để doanh nhân yên tâm làm ăn, không phải nặng nề chuyện so sánh “doanh nghiệp ở nước người ta thế này, thế khác…”… và để đạt được mục tiêu đưa còn số doanh nghiệp tại Việt Nam từ 500 ngàn lên 5 triệu doanh nghiệp trong vòng 5 năm tới như đề xuất của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Vi Lâm

Tin xem nhiều