Báo Đồng Nai điện tử
En

Không có "bữa trưa" nào miễn phí

10:10, 07/10/2015

Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất đàm phán lần cuối cùng vào tối 5-10 (giờ Việt Nam) tại thành phố Atlanta (Hoa Kỳ) với sự tham gia của 12 nước, chiếm 40% GDP toàn cầu, là thông tin nóng nhất trên tất cả các diễn đàn truyền thông trong mấy ngày qua.

Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất đàm phán lần cuối cùng vào tối 5-10 (giờ Việt Nam) tại thành phố Atlanta (Hoa Kỳ) với sự tham gia của 12 nước, chiếm 40% GDP toàn cầu, là thông tin nóng nhất trên tất cả các diễn đàn truyền thông trong mấy ngày qua.

Một chủ đề gây tranh luận dữ dội trên các diễn đàn trong nước suốt thời gian đàm phán là Việt Nam sẽ “được” gì và “mất” gì đối với hiệp định thương mại lớn nhất trong lịch sử, và được cho là có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn cả WTO?

Về những cái “được”, nhiều tờ báo trong nước dẫn lời hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) trích dẫn báo cáo của tập đoàn tư vấn rủi ro chính trị hàng đầu thế giới Eurasia Group, cho rằng Việt Nam là một trong số những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi gia nhập TPP. Trong đó, quan trọng nhất là TPP có khả năng giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 11% tính đến năm 2025, trong khi xuất khẩu sẽ tăng vọt đến 28% do có khả năng các công ty sẽ dời nhà máy sang Việt Nam để tận dụng nhân công giá rẻ. Ngành may mặc Việt Nam cũng hưởng lợi lớn từ việc Mỹ, Nhật Bản giảm thuế nhập khẩu và các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đã có đủ khả năng giành thị phần với Trung Quốc nhờ nhân công giá rẻ. Kèm theo là thuận lợi về xuất khẩu thủy hải sản, giày dép… cùng việc người tiêu dùng Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều hơn do nguồn cung hàng hóa tăng vọt khi hàng rào thuế quan dần gỡ bỏ.

Những thứ sẽ “mất”, những thách thức thật sự cho đến giờ này được cho là sẽ rơi vào ngành chăn nuôi và ngành sản xuất hàng tiêu dùng của các doanh nghiệp trong nước. Sâu xa hơn, nông dân và những doanh nghiệp nhỏ - vốn luôn là đối tượng dễ tổn thương nhất trong nền kinh tế, sẽ “lãnh đủ” khi những tập đoàn lớn “đổ bộ” vào Việt Nam với đầy đủ các thế mạnh. Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, đã sử dụng cụm từ “vật tế thần cho hội nhập” khi đề cập đến những khó khăn rất lớn cho ngành chăn nuôi khi TPP chính thức có hiệu lực. Vẫn là những thế yếu nhiều năm nay chưa cải thiện nổi: vốn ít, sản xuất manh mún thiếu tập trung, thiếu tư duy liên kết, công nghệ thấp, năng suất thấp… dẫn đến sản phẩm không cạnh tranh nổi về cả giá và chất lượng. Nhiều người lo ngại, khi nội lực chưa vững mà đã ra sân chơi lớn thì ngành chăn nuôi thua thiệt sẽ nhiều.

Nhưng ở một góc nhìn chung tích cực hơn, ông Bình cũng cho rằng TPP sẽ là động lực nhanh và trực diện, buộc nông dân và doanh nghiệp không thể trì hoãn sự đổi mới để thích nghi với hoàn cảnh mới, thị trường mới. Có thể, một lớp doanh nghiệp, một lớp nông dân với tư duy làm việc cũ sẽ khó tồn tại, nhưng sẽ có lớp mới hơn, năng động và bản lĩnh hơn vượt qua được thử thách và trưởng thành.

Cũng còn quá sớm để đòi hỏi những thống kê hay đánh giá chuyện được - mất một cách toàn diện. Tuy nhiên trên bình diện chung, Việt Nam sẽ tham gia một sân chơi thương mại cao cấp hơn, chuyên nghiệp hơn là cơ hội để thay đổi, thích nghi và phát triển. Rõ ràng, để trưởng thành và có một tầm vóc mới, thì lẽ dĩ nhiên phải trả những cái giá phù hợp, vì không có “bữa trưa” nào là miễn phí. Vấn đề là cần tìm mọi cách để cái giá phải trả đó xứng đáng và không vô ích.

Vi Lâm

Tin xem nhiều